Câu chuyện được mùa mất giá luôn là nỗi lo canh cánh của người nông dân. Song mấy năm nay với trái vải thiều lại là câu chuyện khác. Tỉnh Bắc Giang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình chất lượng cao (VietGap và GlobalGap) để quả vải không chỉ được ưa chuộng tại thị trường nội địa mà còn có thể xuất vào các thị trường khó tính.
Vườn vải nhà ông Trần Văn Lân ở xã Nam Dương huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang rộng hơn 3ha. Năm nay, hơn hẳn mọi năm, vải nhà ông đạt chất lượng, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Ông Trần Văn Lân cho biết: Vải nhà tôi được khoảng 40 tấn. Thị trường Nhật Bản rất khó tính, trái vải nhỏ, chàm không lấy. Doanh nghiệp sẽ đến thu mua với giá 30.000 đồng/kg, đóng vào hộp và sẽ có người lên tận nơi kiểm tra.
Việc canh tác vải để đạt các tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap đã được chính quyền và người nông dân trồng vải Bắc Giang tiến hành trong khoảng 3 đến 5 năm trở lại đây. Vì thế, để quả vải đạt chất lượng vào các thị trường khó tính, người nông dân Bắc Giang không gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi phương phức canh tác.
Ông Cao Văn Hoàn – Phó Bí thư thường trực Huyện Ủy Lục Ngạn khẳng định, quy trình canh tác vải theo chuẩn xuất Nhật không có nhiều thay đổi so với những phương thức mà huyện đã áp dụng trong một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, một số loại thuốc bảo vệ thực vật bà con thường dùng lại không nằm trong danh mục cho phép của phía nước bạn. Vì thế, huyện đã có các chương trình tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ các loại thuốc được cho phép về từng hợp tác xã.
Năm 2020, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn (tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2019), trong đó vải chín sớm khoảng 45.000 tấn còn vải thiều chính vụ ước đạt 115.000 tấn. Nhờ có sự chung tay của các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang, vải thiều trên địa bản tỉnh năm nay có chất lượng và giá trị cao nhất từ trước đến nay
Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết: "Năm 2020 toàn tỉnh có 15.000 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGap, có 19 mã số vùng trồng để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Australia. Dù năm nay chúng tôi chỉ dự định xây dựng 50 ha vải xuất đi Nhật, nhưng đến nay đã có tới 103 ha với sản lượng khoảng 600 tấn đủ điều kiện vào thị trường này."
Cùng với việc trồng cây vải theo các quy trình chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ cũng được tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh, là cây cầu giúp trái vải Bắc Giang có thể vươn xa tới các thị trường khó tính.
Theo ông Trần Quang Tấn – Giám đốc sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cùng với đổi mới trong xúc tiến tiêu thụ vải thiều bằng hình thức trực tuyến ở 66 điểm cầu trong và ngoài nước, với sự tham dự của hơn 2.300 đại biểu, Bắc Giang đã chính thức khai trương sàn giao dịch điện tử vải thiều Bắc Giang. Từ nay, thay vì phải trực tiếp đến trao đổi, giao dịch, các bạn hàng chỉ cần thao tác bằng vài lần click chuột.
Với sự nỗ lực của cả người nông dân và chính quyền, 2020 hứa hẹn tiếp tục là một năm thành công, được mùa, được giá của vải thiều Bắc Giang./.