Việc đăng kiểm phương tiện thủy gặp khó vì chênh lệnh chất lượng

Theo ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, sự chênh lệch rất lớn về mức đầu tư giữa phương tiện thủy nội địa gây khó khăn cho việc quản lý, đăng kiểm.
Một góc bến tàu hút cát tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Thời gian vừa qua, tình trạng đăng kiểm các phương tiện thủy gặp nhiều khó khăn. Đã có vụ việc đăng kiểm chưa áp dụng đúng quy trình trong quá trình đăng kiệm phương tiện thủy xảy ra tại Đắk Lắk và Đắk Nông như TTXVN đã phản ánh.

Xung quanh vấn đề tăng cường các giải pháp nâng cao việc đăng kiểm các phương tiện thủy, qua đó nâng cao an toàn giao thông đường thủy, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Xin ông đánh giá thực trạng trong quản lý phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là vấn đề đăng kiểm hiện nay?

Phó Cục trưởng Nguyễn Vũ Hải: Số liệu từ năm 2007 cho thấy cả nước có hơn 370.000 phương tiện thủy nội địa phải thực hiện pháp luật về đăng kiểm. Hiện chưa có số liệu chính xác về số phương tiện thủy đang hoạt động trên toàn quốc vì từ năm 2007 đến nay chưa thực hiện thống kê lại số phương tiện thủy.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ để thực hiện việc thống kê, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bố trí được.

Từ năm 2007, chúng tôi thực hiện việc tổng điều tra phương tiện giao thông thủy nội địa, đặt trong bối cảnh lúc đó hoạt động phương tiện thủy nội địa chưa phát triển, có nhiều phương tiện đò ngang. Trong khi đó, hiện nay, ví dụ như tại Đồng bằng sông Cửu Long giao thông đường thủy cực kỳ phát triển.

Mặt khác, số lượng phương tiện bị giải bản (tháo dỡ phương tiện) rất nhiều, nhưng chủ phương tiện không thông báo. Những trường hợp này cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm soát được.

Hiện nay, các địa phương chỉ nắm được các phương tiện thủy đã đăng ký đăng kiểm, còn những phương tiện chưa thực hiện việc này thì địa phương chưa nắm được chính xác số liệu.

Tuy nhiên, có thể nói trong quản lý các phương tiện thủy hiện nay cũng đã có những thuận lợi nhất định, đó là đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ, với Luật cao nhất là Luật Giao thông đường thủy nội địa, các nghị định thông tư cũng được ban hành khá đầy đủ, cùng với đó là các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật… phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Thứ hai là đã hình thành được mạng lưới đăng kiểm rộng khắp cả nước. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan như cảnh sát giao thông, sở giao thông vận tải, ban an toàn giao thông…, tiếp theo là có chính sách giảm tải cho lĩnh vực đường bộ,. Nhà nước đã có sự quan tâm đầu tư phát triển đường thủy để giảm tải cho vận tải đường bộ.

Tuy vậy, chúng ta có những khó khăn rất lớn trong quản lý, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là sự chênh lệch rất lớn về mức đầu tư giữa phương tiện thủy nội địa, nghĩa là có nhiều phương tiện rất hiện đại nhưng ngược lại có những phương tiện rất thô sơ, lạc hậu… khác hẳn với các phương tiện ôtô, hay tàu biển từ lâu đã được xây dựng trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể… Điều này kéo theo việc quản lý loại phương tiện này rất khó khăn.

[Cả nước có hơn 1.000 phương tiện thủy hết hạn hoạt động]

Như tôi đã nói ở trên, cái khó nhất đối với cơ quan quản lý nhà nước là không xây dựng được một chuẩn mực chung đối với các phương tiện thủy. Lý do là do sự chênh lệch khá cao tiêu chuẩn các phương tiên thủy nội địa dẫn đến khó khăn trong quản lý đăng kiểm.

Hiện nay, ngoài những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Ninh… có mặt bằng các phương tiện thủy đồng đều, nhiều cơ sở sửa chữa, nâng cấp rất thuận lợi cho phát triển phương tiện thủy nội địa thì còn nhiều tỉnh khó khăn như các tỉnh miền núi, miền Trung, vùng sâu vùng xa có nhiều phương tiện thô sơ, lạc hậu. Đặc biệt là trình độ người điều khiển phương tiện chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài ra, còn nhiều nơi phương tiện thủy nội địa phát triển mang tính chất tự phát. Ví dụ như hồ Hòa Bình trước kia chưa phát triển du lịch thì nhiều bà con có phương tiện phục vụ dân sinh, đánh bắt cá. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển, bà con đã tận dụng các phương tiện này để tham gia làm du lịch… Điều này cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc quản lý.

Đặc biệt, việc thiếu các cơ sở sửa chữa các phương tiện thủy, đóng mới và hoán cải các phương tiện thủy nội địa cũng đã gây khó khăn cho quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, miền núi thiếu trầm trọng các cơ sở này, thậm chí nhiều tỉnh như Sơn La không có một cơ sở nào sửa chữa, hoán cải các phương tiện thủy nội địa.

Về logic mà nói thì muốn có phương tiện thủy nội địa tốt, đạt tiêu chuẩn thì phải có nhà máy đóng và sửa chữa tàu. Vì trong trường hợp nếu người dân đi mua phương tiện ở nơi khác về hoạt động nếu đến kỳ đăng kiểm hay đến kỳ sửa chữa thì phải đưa vào nhà máy để kiểm tra, sửa chữa thì lại không có. Điều này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá là khó khăn nhất hiện nay.

Tìm hiểu sâu về vấn đề này tại địa phương, nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ý muốn tham gia đầu tư các cơ sở đóng tàu, sửa chữa tàu.

Tuy nhiên, cái vướng là không có quỹ đất để phát triển các cơ sở này. Do đó, đề nghị Nhà nước quan tâm cấp đất cho các doanh nghiệp có nhu cầu quan tâm đối với lĩnh vực trên. Có như vậy, mới hy vọng có các phương tiện thủy nội địa chất lượng tốt.

- Đứng trước thực trạng trên, Cục Đăng kiểm đã có những giải pháp nào, thưa ông?

Phó Cục trưởng Nguyễn Vũ Hải: Giao thông vận tải thủy đã có những bước tiến về số lượng cũng như chất lượng. Trên các tuyến sông hoặc vùng ven biển số lượng phương tiện thủy ngày càng gia tăng. Đặc biệt là loại phương tiện tự hành có công suất máy và trọng tải lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tình trạng không quay lại đăng kiểm an toàn kỹ thuật phương tiện đang có xu hướng tăng cao, nhất là với phương tiện nhỏ.

Trước thực trạng trên, những năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã làm việc với các địa phương về hoạt động đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Hằng năm, liên ngành gồm Cục Đăng Kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông lập các đoàn kiểm tra các điểm nóng về phương tiện giao thông thủy nội địa.

Một góc bến tàu hút cát tại xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Trong thời gian qua các thủ tục đăng ký, đăng kiểm nói chung và đăng ký đăng kiểm phương tiện thủy nói riêng đã được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam cắt giảm tối đa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với những phương tiện người dân và doanh nghiệp đã đóng trước đó không có thiết kế, không có sự giám sát của cơ quan đăng kiểm, không theo một phương thức tiêu chuẩn nào… nên không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Đây là vướng mắc chưa có giải pháp để giải quyết. Bởi lẽ muốn thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn thì chủ phương tiện cần phải sửa chữa, hoán cải và thử nghiệm lại, như vậy cần đầu tư kinh phí.

Trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành chức năng đề nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp.

- Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa là một trong những giải pháp tăng cường việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, vậy để năng cao chất lượng đăng kiểm trong lĩnh vực này, theo ông, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ có những giải pháp nào?

Phó Cục trưởng Nguyễn Vũ Hải: Thời gian qua, không chỉ lĩnh vực đường thủy nội địa mà tất cả các lĩnh vực Cục Đăng kiểm Việt Nam đang quản lý đều được tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đăng kiểm, cũng như chống tiêu cực trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.

Để giảm thiểu tối đa điều này, toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ tại các đơn vị đăng kiểm đều được truyền trực tiếp về Cục Đăng kiểm Việt Nam để giám sát. Do đó, đã kiểm soát cơ bản được các hoạt động đăng kiểm tại các Trung tâm.

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam thường xuyên kiểm tra đột xuất các đơn vị đăng kiểm khi phát hiện có dấu hiệu tiêu cực. Theo đó, đã phát hiện và đình chỉ nhiều đăng kiểm viên và trung tâm đăng kiểm vi phạm bỏ qua lỗi trong quá trình đăng kiểm phương tiện.

Trở lại câu chuyện đăng kiểm các phương tiên thủy nội địa, thống kê cho thấy hầu hết các vụ tai nạn trong những năm qua đều do các phương tiện dân sinh dân dụng nhỏ lẻ, không được đăng ký đăng kiểm, hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, không được kiểm tra, kiểm soát. Do đó, để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, rất cần sự tham gia quyết liệt của chính quyền các địa phương, sự phối hợp của các đơn vị, ban, ngành liên quan.

Ngoài ra, trong đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp tạo thuận lợi cho chủ phương tiện, nhất là các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện, đặc biệt chủ phương tiện phải nâng cao tính tự giác, chấp hành nghiêm quy định pháp luật.

- Xin cám ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục