Chiều 2/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị năm 2019, Thủ tướng giao chỉ tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan hành chính khối công chức là 2%.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong 4 năm chỉ giảm có 4,6% nên trong 3 năm còn lại đòi hỏi phải giảm mỗi năm 1,8% thì mới đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Đối với khối sự nghiệp, giữ nguyên tỷ lệ tinh giản 2,5% biên chế trong năm 2019.
Bộ Nội vụ sẽ trình Thủ tướng để giao biên chế cho các bộ, ngành, địa phương ngay trong ngày 20/7, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin.
Để thực hiện tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế mà Bộ đã lấy ý kiến theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để giải quyết vấn đề tinh giản biên chế.
Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo kịp thời để Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ có giải pháp kịp thời xử lý các trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ không đúng quy định.
“Chúng tôi nhận được báo cáo số vi phạm rất ít nhưng ngược lại, khi kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thì số vi phạm rất nhiều,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý và đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, rà soát và xử lý thực hiện đúng Thông báo số 43 của Trung ương về xử lý các trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ không đúng quy định. Đến nay, Bộ mới nhận được báo cáo của 15 bộ, 34 tỉnh về vấn đề này.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, cả nước có 16 huyện phải sắp xếp lại với tổng cộng 637 xã. Ông đề nghị các địa phương có kế hoạch thực hiện ngay việc này để báo cáo Chính phủ, xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương chung để thực hiện.
Về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nhìn chung các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương chậm triển khai các nhiệm vụ được giao theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định 695/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai Nghị định 16.
Sau hơn 3 năm, từ tháng 2/2015 đến nay, các bộ mới trình Chính phủ ban hành 2 nghị định về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực về khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế và một số lĩnh vực khác.
Hiện còn 6/8 nghị định trong các lĩnh vực về y tế, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, thông tin truyền thông và văn hóa chưa được ban hành. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá như vậy là "quá chậm."
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện mới có lĩnh vực y tế mới ban hành khung giá dịch vụ ở cơ sở khám bệnh, các lĩnh vực khác chưa được triển khai.
Nếu tiến độ thực hiện như thời gian vừa qua, khó có thể thực hiện đúng mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 6. Từ đó rất khó tạo cơ sở để thực hiện các mục tiêu cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ khẩn trương xây dựng các nghị định theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7; các địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ.
Thôn tin về việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong ngành mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính quyết định giải thể 43 phòng giao dịch tương đương với các chi cục thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh từ ngày 1/6/2018 và tiếp tục sắp xếp, rà soát lại các chi cục thuế, hải quan, tổng cục dự trữ... theo khu vực để giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả lao động.
"Chúng tôi cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 50% chi cục thuế trên tổng số 548 chi cục thuế hiện có trong toàn ngành.
Trong quá trình này, đề nghị các địa phương ủng hộ, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện việc sắp xếp lại các cơ quan tài chính trên địa bàn, đảm bảo đúng lộ trình, đảm bảo hoạt động, không ảnh hưởng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tài chính, ngân sách," Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị.
Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải hiểu đúng Nghị quyết của Trung ương, là sắp xếp, giảm biên chế của bộ phận gián tiếp dư thừa.
Theo Phó Thủ tướng, cần đặc biệt lưu ý tình trạng thừa giáo viên nhưng thiếu cục bộ ở các nơi vì giáo viên bậc phổ thông phải tùy từng ngành, từng môn và từng địa bàn.
Không thể điều giáo viên từ huyện này sang huyện khác, nên chỗ thừa cần loại ra dần hoặc chuyển đổi theo thời gian, nhưng chỗ thiếu vẫn phải bổ sung, nguyên tắc là phải đủ giáo viên cho học sinh./.