Viện Tài chính quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Trong dự báo công bố ngày 25/5, Viện Tài chính quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ 4,6% xuống còn 2,3%.
Viện Tài chính quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh 1Cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây ra cú sốc lạm phát đình trệ nghiêm trọng, đẩy giá cả tăng cao khi nguồn cung năng lượng bị đe dọa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dựa trên cơ sở đánh giá tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc và chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, Viện Tài chính quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) đã giảm một nửa mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022.

Trong dự báo công bố ngày 25/5, IIF đã hạ mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ 4,6% xuống còn 2,3%.

Viện trên cũng cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống còn 3,5% so với mức dự báo 5,1% đưa ra trước đó. Đối với nhóm G3 - gồm Mỹ, Nhật Bản và Khu vực Đồng Euro (Eurozone), tổ chức này đưa ra mức dự báo tăng trưởng 1,9%.

Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh được dự báo tăng trưởng nhanh hơn - ở mức 2% - và khu vực Trung Đông-Bắc Phi được dự báo sẽ phục hồi.

[Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một tương lai ảm đạm]

Các chuyên gia của IIF cho biết rủi ro suy thoái đã gia tăng trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đi ngang. Làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron ở Trung Quốc đã tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự luân chuyển dòng vốn.

IIF dự báo dòng vốn luân chuyển vào các thị trường mới nổi sẽ giảm 42% so với năm ngoái, từ 1.680 tỷ USD xuống còn 972 tỷ USD.

Mexico, Argentina và Venezuela thuộc số ít các quốc gia khu vực Mỹ Latinh được dự báo sẽ chứng kiến dòng vốn lưu chuyển tăng trong năm nay, trong khi dòng vốn vào Brazil giảm một nửa xuống còn 55,3 tỷ USD.

IIF đồng thời cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh Nga và Ấn Độ cấm xuất khẩu nông sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Ukraine bị gián đoạn.

Trung Đông và châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các quốc gia châu Á ít bị ảnh hưởng hơn do chế độ ăn chủ yếu là gạo, loại mặt hàng vẫn đang giữ giá tương đối thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.