Việt Nam-Ấn Độ hợp tác trong chuỗi cung ứng hậu COVID-19

Hậu COVID-19 là giai đoạn “vàng” để Việt Nam-Ấn Độ đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, da giày; đồng thời thiết lập các quan hệ hợp tác.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Việt Nam-Ấn Độ có nhiều tiềm năng đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỹ thuật, cơ khí, máy móc phục vụ sản xuất và tham gia và các chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại Việt Nam-Ấn Độ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Cơ khí Ấn Độ (EEPC) tổ chức chiều 22/9.

Ông Mahesh Desai, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến Xuất khẩu ngành cơ khí Ấn Độ  cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển năng động, đa dạng các lĩnh vực và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác chiến lược về thương mại và vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; trong đó lĩnh vực kỹ thuật phục vụ sản xuất là bộ phận quan trọng trong thương mại song phương.

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng đến nền tảng kỹ thuật, sản xuất và đặt mục tiêu tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều chuỗi liên kết, cung ứng bị đứt gãy do dịch COVID-19, cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhu cầu tìm kiếm nhiều đối tác mới, thị trường mới. Do đó, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để liên kết với các đối tác như Việt Nam nhằm khai thác các tiềm năng của hai nước, ông Mahesh Desai nhấn mạnh.

Việt Nam-Ấn Độ có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác vì cùng là thành viên của nhiều diễn đàn kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tầm nhìn dài hạn. Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ đã thống nhất hợp tác trên nhiều lĩnh vực thương mại điện tử, năng lượng, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng.

[Thương mại Việt Nam-Ấn Độ lấy lại đà tăng trưởng trước đại dịch]

Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng về kinh tế đầu tư, thương mại của Ấn Độ. Hai nước cần thúc đẩy thương mại hơn nữa trong thời gian tới, sau COVID-19 nhu cầu tìm kiếm đa dạng hóa đối tác, thị trường mới.

Theo ông Pranay Verma, hợp tác thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ thời gian qua vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Các lĩnh vực về cơ giới hóa, chế tạo máy móc, nông nghiệp còn nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt giai đoạn hợp tác hậu COVID-19.

Ông Võ Tân Thành-Phó Chủ tịch VCCI thông tin, Việt Nam-Ấn Độ có quan hệ truyền thống tốt đẹp trên mọi mặt. Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ năm 2019 đạt trên 11,2 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 6,6 tỷ USD và chiều ngược lại xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt gần 4,6 tỷ USD.

Riêng trong 7 tháng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ vẫn đạt trên 5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 2,6 tỷ USD và chiều ngược lại xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt trên 2,4 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm máy vi tính, điện thoại và linh kiện… Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dược phẩm.

Việt Nam-Ấn Độ hợp tác trong chuỗi cung ứng hậu COVID-19 ảnh 1Hậu COVID-19 là giai đoạn vàng để Việt Nam-Ấn Độ đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất. (Ảnh: TTXVN)

Dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng hai nước vẫn đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ đạt mức 15 tỷ USD trong thời gian tới, ông Võ Tân Thành cho hay.

Về quan hệ đầu tư, tính đến tháng 4/2020, Ấn Độ đứng thứ 26 trên 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 272 dự án, tổng vốn đăng ký trên 887 triệu USD, tập trung chủ yếu vào khai thác dầu khí, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin, nông sản.

Với việc đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam đang là một điểm đến an toàn và tin cậy dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc bắt đầu. Các nhà đầu tư Ấn Độ nên mở rộng đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nguyên liệu thức ăn gia súc… để được hưởng ưu đãi của theo Hiệp định EVFTA.

Ông Srikar K. Reddy, Thư ký Bộ Thương mại Ấn Độ chia sẻ, Ấn Độ đã đạt được bước tiến đáng kể trong lĩnh vực kỹ thuật trong thời gian qua, nhưng thương mại kỹ thuật Việt Nam-Ấn Độ thời gian qua chưa được khai thác hiệu quả.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, hướng tới hoạt động xuất khẩu, có cơ cấu dân số vàng. Sau COVID-19, Việt Nam đang là điểm đến nổi bật trong hoạt động dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất.

Đồng thời, Việt Nam cũng là cầu nối với nhiều khu vực kinh tế khác trên thế giới, hậu COVID-19 là giai đoạn “vàng” để Việt Nam-Ấn Độ đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, da giày; đồng thời thiết lập các quan hệ hợp tác trong lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Thị Lý-Trưởng phòng kinh doanh Công ty Thanh Việt nhận xét, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều nguồn cung nguyên liệu, thiết bị truyền thống của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, Ấn Độ là một trong những trung tâm sản xuất lớn của thế giới với nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm đa dạng, giá thành khá cạnh tranh. Đây sẽ là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác trong việc cung cấp nguyên liệu thay thế cũng như kết nối các chuỗi sản xuất-phân phối mới với Việt Nam trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.