Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mexico sẽ được hưởng lợi khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, nhờ các ưu đãi thuế quan và dỡ bỏ các hàng rào thương mại.
Đại sứ Việt Nam tại Mexico Lê Linh Lan đã khẳng định điều này trong một cuộc phỏng vấn với Cơ quan xúc tiến thương mại Mexico (ProMexico).
Theo các điều khoản đạt được trong đàm phán, khi TPP chính thức có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ ngay lập tức 65% loại thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và 95% loại thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình 10 năm.
Trong khi đó, Mexico cam kết xóa bỏ 77,2% loại thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam (chiếm 36,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mexico).
Đại sứ Linh Lan nhấn mạnh để tuân thủ các cam kết và tận dụng tối đa các cơ hội mà TPP đem lại, Việt Nam và Mexico cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm giữ vững thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Đại sứ Linh Lan, bên cạnh những thuận lợi, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam và Mexico như tính cạnh tranh cao và việc tuân thủ các quy định chặt chẽ về kỹ thuật, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất xứ hàng hóa…
Trong giai đoạn 1-8/2016, Việt Nam đã nhập khẩu từ Mexico lượng hàng hóa trị giá 312 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2015. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mexico đạt 1,206 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mexico gồm điện thoại và điện thoại di động, giày dép, máy móc thiết bị và linh kiện điện tử, may mặc, thủy sản và càphê. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Mexico máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, công cụ, dụng cụ và thức ăn gia súc.
TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia, gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam), được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.
Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước thành viên, như sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…
Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập đến không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước.
Một khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.