'Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo'

Theo Trưởng Đại diện UNESCO, Việt Nam là một trong rất ít những quốc gia hiện nay đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và các vấn đề xã hội và đặt nó vào trung tâm của sự phát triển.

Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Năm 2023 được đánh giá là một năm khởi sắc trong lĩnh vực văn hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Nhân dịp Năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về đường lối, chính sách phát triển văn hóa của Việt Nam.

- Xin ông chia sẻ cảm nghĩ của mình về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam?

Ông Jonathan Wallace Baker: Tôi thực sự ấn tượng với con người Việt Nam, những con người có nhiều tính cách tốt, trong đó thu hút nhất là sự thân thiện, mến khách. Tôi cũng ấn tượng với những món ăn của đất nước các bạn. Việt Nam có nhiều món ăn ngon. Nơi đây được nhiều tạp chí du lịch quốc tế nổi tiếng ghi nhận.

Và không thể không ấn tượng trước kho tàng Di sản Văn hóa Vật thể và Phi vật thể, thiên nhiên trên khắp Việt Nam. Ngoài ra, đất nước các bạn còn có rất nhiều lễ hội nhằm quảng bá văn hóa địa phương.

ttxvn_hoi nghi van hoa toan quoc.jpg
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (Nguồn: TTXVN)

- Tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai đường lối phát triển văn hóa đề ra tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; trong đó trọng tâm của việc xây dựng văn hoá là xây dựng con người. Xin ông cho biết ý kiến về những luận điểm này?

Ông Jonathan Wallace Baker: Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam có một kho tàng di sản phong phú. Và tôi tin rằng, kho báu này đang được phát huy tốt một phần nhờ những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cao nhất đất nước.

Theo kinh nghiệm của tôi trong hơn 24 năm làm việc tại UNESCO, Việt Nam là một trong rất ít những quốc gia hiện nay đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và các vấn đề xã hội và đặt nó vào trung tâm của sự phát triển.

Điều này được đánh giá cao vì chúng ta đã nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của văn hóa trong những thời kỳ khó khăn khác nhau, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Văn hóa, từ các di tích lịch sử và bảo tàng đến các hoạt động di sản sống và các loại hình nghệ thuật đương đại đang làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta theo vô số cách và giúp xây dựng cộng đồng hòa nhập, sáng tạo và kiên cường.

Bảo tồn và bảo vệ thế giới di sản văn hóa, thiên nhiên cũng như hỗ trợ sự sáng tạo, các lĩnh vực văn hóa năng động là điều căn cốt để giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta, từ biến đổi khí hậu đến nghèo đói, bất bình đẳng, khoảng cách số và những tình huống khẩn cấp, xung đột đang diễn biến khó lường hơn bao giờ hết.

UNESCO tin chắc rằng không có sự phát triển nào có thể bền vững nếu không có một nền văn hóa mạnh mẽ. Đến đây, tôi xin khẳng định UNESCO sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong những nỗ lực bồi đắp văn hóa cho một sự phát triển bền vững.

- Cũng trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những gợi mở về xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo ông, việc xây dựng các hệ giá trị này có ý nghĩa thế nào đối với công cuộc xây dựng một nền văn hóa phát triển toàn diện trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng?

Ông Jonathan Wallace Baker: Hệ thống giá trị là một phần của văn hóa. UNESCO định nghĩa văn hóa là tập hợp những nét đặc sắc, đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội, bao gồm lối sống, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng bên cạnh các tác phẩm sáng tạo.

Vì vậy, việc phát triển các hệ giá trị như giá trị quốc gia, giá trị văn hóa và giá trị gia đình cũng là một phần của văn hóa phát triển.

Do nền văn hóa Việt Nam vốn đa dạng và độc đáo, việc phát huy bản sắc dân tộc của hệ giá trị sẽ giúp khuyến khích người dân nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp để xây dựng một xã hội toàn diện, xã hội đổi mới và kiên cường.

Ngoài ra, nó sẽ giúp mang thêm đến cho các bạn nhiều bạn bè và cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

- Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhằm xây dựng nền văn hóa phát triển đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này và những khuyến nghị của UNESCO đối với Việt Nam về phát triển công nghiệp văn hóa? UNESCO sẽ có những hỗ trợ gì để giúp Việt Nam hình thành một nền công nghiệp văn hóa bền vững?

Ông Jonathan Wallace Baker: Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo không chỉ đơn thuần là kênh tăng trưởng kinh tế mà chúng đang là trọng tâm của một mô hình phát triển bền vững toàn diện. Những ngành công nghiệp này tạo được tiếng vang trên khắp các khía cạnh nền tảng của sự bền vững về kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội.

Việt Nam có nhiều tiềm năng đáng chú ý cần được khai thác thêm. Đất nước các bạn có cảnh quan lịch sử và văn hóa đan xen với các chủ thể năng động của công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Những ngành công nghiệp này không chỉ đóng vai trò là phương tiện cho sự thịnh vượng kinh tế mà còn bảo vệ truyền thống, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và thúc đẩy các hoạt động bền vững.

Tôi xin lấy ví dụ về Hà Nội. Đây là một trong những địa phương tiên phong về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, khi có một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành phố này có nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa với nền tảng phong phú về tài nguyên văn hóa, bao gồm hàng ngàn di sản, làng nghề truyền thống và cộng đồng sáng tạo mới nổi gồm các nhà thiết kế và đổi mới cũng như không gian sáng tạo trên khắp thành phố.

Trong khi đó, Hội An, một điểm đến được UNESCO công nhận, đã cân bằng hài hòa việc bảo tồn văn hóa với sự thịnh vượng về kinh tế. Nền kinh tế sáng tạo phát triển nhờ các nghề thủ công truyền thống và kho tàng ẩm thực, thu hút cả cộng đồng địa phương và khách du lịch. Kho tàng kiến trúc, kết hợp với những trải nghiệm văn hóa truyền thống, nghề thủ công và ẩm thực hấp dẫn của thành phố này thực sự thu hút khách du lịch và tạo ra doanh thu. Những điều này tạo nên sức mạnh tổng hợp, mô tả một cách sinh động tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa để không chỉ tiếp thêm sinh lực cho kinh tế địa phương mà còn bảo vệ di sản.

ttxvn-mot-goc-pho-co-hoi-an-5567.jpg
Phố cổ Hội An. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh các mô hình hiện có của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo để phát triển bền vững, Việt Nam cần tận dụng hơn nữa tiềm năng văn hóa thông qua chiến lược và chính sách thống nhất.

Các biện pháp sau đây được Nhóm công tác của Hệ thống Liên hợp quốc đề xuất trong Chương trình Nghị sự Phát triển của Liên hợp quốc sau năm 2015 có thể đóng vai trò là điểm tham khảo hữu ích cho các bên liên quan thuộc khu vực công và tư nhân.

Trước hết, các nhà hoạch định chính sách nên tiếp tục quan tâm tích hợp văn hóa vào quản trị như xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển, xây dựng pháp luật.

Thứ hai, cần thúc đẩy các ngành văn hóa và sáng tạo phát triển thành các tiểu ngành kinh tế mạnh mẽ tạo ra việc làm, phát triển địa phương và tinh thần kinh doanh đồng thời bảo vệ các di sản văn hóa.

Thứ ba, tính bền vững của môi trường phải trở thành trọng tâm mới khi sự hiểu biết về môi trường bền vững được tích hợp nhất quán hơn vào các hoạt động văn hóa và sáng tạo.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là cộng đồng địa phương cần giữ vị trí trung tâm trong các ngành văn hóa để xây dựng các mô hình phát triển thông qua đối thoại liên văn hóa và chuyển giao kiến thức nhằm gắn kết và trao quyền cho xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ, các nhóm dễ bị tổn thương.

Cùng với đó, trên cơ sở bối cảnh cụ thể của Việt Nam và từng khu vực hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, để phát triển theo hướng bền vững cần làm phong phú thêm các khuôn khổ trên, đảm bảo các chính sách và ưu đãi phù hợp với địa phương và dựa trên cơ sở tối đa hóa sự phối hợp, tiến bộ.

- Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, ông có thông điệp gì muốn gửi tới người dân Việt Nam?

Ông Jonathan Wallace Baker: Tôi xin chúc tất cả người dân Việt Nam một năm mới 2024 bình yên, an toàn, hạnh phúc, thịnh vượng và hãy theo dõi các kênh truyền thông của UNESCO để đồng hành cùng chúng tôi trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục