Việt Nam củng cố vị thế trên diễn đàn văn hóa đa phương toàn cầu

Công tác tác ngoại giao văn hóa nỗ lực vượt qua trở ngại, đảm bảo mạch phát triển, tạo ra nhiều dấu ấn đậm nét, qua đó tiếp tục đưa giá trị văn hóa, thương hiệu Việt Nam bay cao trên trường quốc tế.
Việt Nam củng cố vị thế trên diễn đàn văn hóa đa phương toàn cầu ảnh 1Chùa Quỳnh Lâm thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) là một trong các ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam. Xưa kia chùa là một trung tâm Phật giáo quan trọng của dòng thiền Trúc Lâm. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Những năm qua, ngoại giao văn hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại, nâng cao hình ảnh đất nước.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội khiến cho nhiều hoạt động văn hóa-du lịch quốc tế bị đình trệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, công tác tác ngoại giao văn hóa đã nỗ lực vượt qua trở ngại, đảm bảo mạch phát triển, tạo ra nhiều dấu ấn đậm nét, qua đó tiếp tục đưa giá trị văn hóa, thương hiệu Việt Nam bay cao trên trường quốc tế.

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

[Ba tỉnh xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể Yên Tử là Di sản thế giới]

Với ý nghĩa đó, trong công tác ngoại giao văn hóa, Việt Nam luôn xác định Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là diễn đàn giúp chúng ta bảo vệ lợi ích, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, chủ động triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục-khoa học.

Năm 2021 đánh dấu chặng đường 45 năm Việt Nam gia nhập và tham gia tích cực, có trách nhiệm với tổ chức được coi là "Ngôi nhà trí tuệ của thế giới.”

Trong năm kỷ niệm đặc biệt này, Việt Nam đã liên tục có nhiều sự kiện, hoạt động nổi bật nhằm củng cố, nâng tầm vị thế của mình trên diễn đàn văn hóa đa phương toàn cầu.

Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO đi vào thực chất, hiệu quả

Là thể chế của Liên hợp quốc, song Việt Nam gia nhập UNESCO từ rất sớm, ngay trước khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh (20/9/1977).

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 12/7/1976, Bộ Ngoại giao gửi công hàm cho UNESCO thông báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế tục tham gia UNESCO.

Tháng 10/1976, với tư cách là thành viên chính thức của UNESCO, lần đầu tiên Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử một đoàn đại biểu tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 19 tổ chức tại Nairobi (Kenya).

Việc Việt Nam gia nhập UNESCO ngay sau khi đất nước thống nhất không chỉ thể hiện việc nước Việt Nam thống nhất sẵn sàng hòa nhập vào sân chơi chung toàn cầu mà còn qua đó giúp bạn bè trên thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam.

Được mệnh danh là “Ngôi nhà trí tuệ của thế giới,” diễn đàn văn hóa đa phương lớn nhất hành tinh và do đó sẽ không quá lời khi khẳng định chính ngoại giao văn hóa của Việt Nam ở UNESCO đã đưa thế giới đến gần chúng ta và góp phần mở đường cho ngoại giao chính trị để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nội dung hợp tác của Việt Nam với UNESCO phù hợp với chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước ta như: lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển, văn hóa là nền tảng tinh thần, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Kể từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của UNESCO về ý tưởng, nhận thức và kinh nghiệm cũng như những đóng góp về tài chính và kỹ thuật ban đầu cho một số dự án của Việt Nam. Và cùng với các thể chế khác của Liên hợp quốc, cái tên UNESCO đã trở nên quen thuộc, thành một phần trong hồi ức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Trải qua 45 năm gắn bó, Việt Nam đã có những đóng góp hiệu quả vào ngôi nhà chung. Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Ngoại giao (15/6/1977); lập cơ quan đại diện tại UNESCO vào năm 1982 và được tín nhiệm bầu vào: Cơ quan hoạch định chính sách và tài chính (1978-1983), Hội đồng Chấp hành (2001-2005, 2015-2019), Phó Chủ tịch UNESCO (2001-2003), thành viên Ủy ban Di sản Thế giới (2013-2017)…

Năm 2017 tại Paris, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã cùng 8 ứng cử viên khác đã tham gia tranh cử chức Tổng Giám đốc UNESCO, là một dịp quan trọng để giới thiệu quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung và về văn hóa nói riêng đến với thế giới.

Năm 2021, Việt Nam-UNESCO kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam gia nhập “Ngôi nhà trí tuệ của thế giới.”

Trong năm đặc biệt này, vượt qua những trở ngại của dịch COVID-19, quan hệ hợp tác hai bên đã diễn ra sôi động, phong phú nội dung hợp tác. Việt Nam đã bước đầu tận dụng được kho tri thức giáo dục của UNESCO, học hỏi được những kinh nghiệm thu hút nguồn lực.

Về khoa học, Việt Nam đã bắt đầu bắt nhịp được với những xu thế, chuyển biến mới của tình hình thế giới cũng như kinh nghiệm của UNESCO trong một số xu hướng mới liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI)…

Đặc biệt, đúng dịp kỷ niệm 76 năm thành lập UNESCO, 45 năm quan hệ Việt Nam-UNESCO và trước thềm kỳ họp thứ 41 Đại hội đồng UNESCO, sáng 5/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Thủ đô Paris của Pháp và hội kiến bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận dự án 1 triệu USD giữa Sovico và UNESCO về hỗ trợ thúc đẩy mạng lưới các thành phố sáng tạo, du lịch bền vững tại Việt Nam tạo khuôn khổ quan trọng cho hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, thông tin-truyền thông phù hợp xu thế chung, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới.

Chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử, vừa có tính định hướng, vừa đạt kết quả thực chất, cụ thể, góp phần đưa quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO lên tầm cao mới.

Việt Nam chia sẻ mục tiêu, sứ mệnh, coi trọng vai trò và các hoạt động của UNESCO nhằm góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác trí tuệ vì phát triển bền vững; ủng hộ các nỗ lực cải tổ để trở thành một tổ chức dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, trong tháng 12/2021, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 với UNESCO để thực hiện các nội dung của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, bình đẳng giới cũng như xác định các định hướng phát triển bao trùm đối với thanh niên để tạo nền tảng cần thiết cho công cuộc xây dựng một xã hội hòa bình, tri thức và bền vững.

Với những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang khẳng định đây là những kết quả "hết sức đồ sộ" mà Việt Nam đạt được" và "điều ấn tượng là các kết quả đạt được đều, dầy dặn trên các lĩnh vực trụ cột của UNESCO, đóng góp thực sự cho hợp tác Việt Nam-UNESCO.”

Đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 nhằm nâng cao hình ảnh, vai trò của Việt Nam tại diễn đàn UNESCO cũng như thúc đẩy bảo vệ các lợi ích quốc gia, tận dụng tri thức UNESCO để xây dựng chính sách và phát triển bền vững đất nước, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang cho biết Ủy ban xác định một số phương hướng hoạt động trong năm 2022 như nghiên cứu, nắm bắt xu thế hợp tác, chuyển biến chính sách của các nước, nhóm nước trong UNESCO, khuyến nghị chính sách, chiến lược với Chính phủ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin-truyền thông; góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 25/CT-TƯ về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động tại Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025.

Ủy ban sẽ triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025; tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; tiếp tục phối hợp, thúc đẩy các hợp tác công-tư, có chiều sâu, chất lượng nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động trong các lĩnh vực thẩm quyền của UNESCO; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các cán bộ, chuyên gia trong nước và mở rộng, kết nối với mạng lưới các chuyên gia quốc tế, Ban Thư ký UNESCO để triển khai hiệu quả các hoạt động với tổ chức UNESCO.

Nhận định Việt Nam là thành viên tham gia rất năng động và sắp tới là thành viên của nhiều ủy ban quan trọng của UNESCO, ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan trong năm 2022.

"Chúng tôi khẳng định sự cam kết mạnh mẽ, hỗ trợ hết mình để có mối quan hệ hợp tác thật hiệu quả," ông Christian Manhart nói.

Nâng tầm đối ngoại đa phương tại UNESCO

Ngày 17/11/2021, ngay trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11), Việt Nam là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu rất cao, đạt xấp xỉ 92%, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử.

Cùng với trúng cử vào các tổ chức, thể chế đa phương có uy tín gần đây, việc lần thứ 5 Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt.

Đó là tiếp tục góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.

Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO với số phiếu rất cao khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ sự tham gia tích cực của Việt Nam vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của Liên hợp quốc.

Việt Nam củng cố vị thế trên diễn đàn văn hóa đa phương toàn cầu ảnh 2Lễ cung nghinh Tôn tượng Tam Tổ Trúc Lâm từ chốn Tổ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng Tây Yên Tử, thuộc Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Trở thành Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO cũng tạo điều kiện cho Việt Nam trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO, từ đó mở ra cơ hội thuận lợi cho chúng ta bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trong hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ ở tầm toàn cầu, đồng thời tranh thủ tri thức và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội, trực tiếp góp phần phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, phát triển giáo dục- đào tạo và khoa học- công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

“Với tư cách là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực đóng góp vào hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng, được UNESCO và các nước thành viên quan tâm,” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Chúc mừng Việt Nam lần thứ năm trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO 41 Santiago Irazabal Mourão đánh giá: "Việt Nam mang đến cho chúng tôi sự phong phú về văn hóa, về lịch sử, về những góc nhìn khác nhau của một xã hội. Đối với UNESCO, sự đa dạng văn hóa, các ý tưởng và các cuộc tranh luận là nền tảng cơ bản cho sự phát triển. Góc nhìn riêng của Việt Nam chắc chắn sẽ làm phong phú thêm các cuộc tranh luận, cũng như các nhận định và giải pháp sẽ được trình bày ở các diễn đàn của UNESCO."

Với hàng loạt sự kiện dày đặc, trong đó nổi bật nhất là chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập UNESCO và việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO, có thể khẳng định năm 2021 là một trong những năm rất thành công của quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO, qua đó tạo đà để hai bên tự tin vững bước tiến vào giai đoạn hợp tác mới với xung lực mới, tầm cao mới và những thành tựu mới, đồng thời góp phần đưa công tác ngoại giao văn hóa có những bước chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục