Việt Nam đối mặt với làn sóng tác động thứ 2 từ thuốc lá thế hệ mới

Nói về sự nguy hiểm của thuốc lá thế hệ mới, các chuyên gia cho rằng các sản phẩm này đang nhắm vào giới trẻ và điều này sẽ tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới.
Bộ Y tế đưa ra cảnh báo một số loại thuốc lá thế hệ mới với giới trẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với sự nỗ lực rất lớn, Việt Nam đã giảm được tỷ lệ người hút thuốc. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với làn sóng tác động thứ 2.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy khi phổ biến những thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

“Âm thầm” cướp sinh mạng của 8,2 triệu người mỗi năm

Theo ông Quang, bệnh truyền nhiễm như COVID-19 có quy mô toàn cầu, khiến gần 1 triệu người tử vong đã gây quan ngại cho tất cả các quốc gia, làm đình trệ các hoạt động kinh tế, văn hóa… Trong khi đó, thuốc lá “âm thầm” cướp đi sinh mạng của 8,2 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.

[Đức cấm quảng cáo thuốc lá trên đường phố từ năm 2022]

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là những vấn đề đáng lo ngại. Bởi trên thực tế, các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới. Việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên và thanh niên.

Ông Quang cho hay các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, các loại thuốc lá mới này còn có một số tác hại khác liên quan như lợi dụng hút thuốc lá để sử dụng các chế phẩm ma tuý công khai dễ dàng hơn hay tính an toàn của thuốc lá điện tử khi sử dụng (gây cháy nổ…).

Phân tích về tác hại của thuốc lá, thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm. Chất này còn gây ra biến chứng bất thường ở trẻ sơ sinh như đột tử, giảm thính lực, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang phát biểu về iệc quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Đối với trẻ vị thành niên, nicotine gây mất kiểm soát, kém tập trung, trí nhớ giảm sút. Thậm chí, một số loại thuốc lá còn tiềm ẩn nguy cơ trộn ma túy, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của người hút. Chính vì vậy, cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc của giới trẻ đối với mặt hàng này,” vị đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chỉ rõ.

Lý luận về giảm hại không như thực tế

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%. Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 7%.

Theo ông Quang, hiện nay để thu hút người sử dụng, các hãng thuốc lá quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ với giá rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các sản phẩm được thiết kế hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước, đóng gói như kẹo; nhiều hương vị... tạo ấn tượng của thanh thiếu niên về sản phẩm - động lực thúc đẩy sử dụng.

Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết để thu hút người sử dụng, ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo, giới thiệu về tính an toàn, giảm hại, cai nghiện của thuốc lá thế hệ mới/ thuốc lá làm nóng khi chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học và kết luận từ các cơ quan y tế gây hiểu nhầm đối với người tiêu dùng.

“Ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra nhiều thông tin cho rằng sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống và những quan điểm như đay là giải pháp cai giảm tác hại thuốc lá, giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống… Tuy nhiên, thực tế cho thấy thiếu cơ sở khoa học để công ty thuốc lá tuyên bố thuốc lá điện tử giảm hại và an toàn hơn 95% so với thuốc lá thông thường,” bà Nguyên phân tích.

Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm phân tích các lý luận về giảm hại, về lý tưởng của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng:

Cùng quan điểm này, thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm chỉ rõ các lý luận về giảm hại, về lý tưởng của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng mà các công ty thuốc lá đưa ra là không như thực tế.

“Con số 95% giảm hại chỉ là do một nhóm các chuyên gia tự phong đưa ra, không có bằng chứng đáng tin cậy nào. Bởi trong nhóm đưa ra quan điểm ấy có 2 người là làm tư vấn cho nhà phân phối và nhà sản xuất thuốc lá. Họ tư nhận là có mâu thuẫn lợi ích,” ông Lâm thẳng thắn.

Ông Lâm cảnh báo nếu cho phép thuốc lá điện tử/thuốc lá làm nóng được nhập khẩu vào Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng sẽ tăng lên chóng mặt ở giới trẻ, nó trở thành mốt thời thượng. Khi đó, Chính phủ muốn kìm lại 'con ngựa' rất khó và Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng giới trẻ nghiện nicotin tăng rất cao như một số nước trên thế giới.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang cho hay Bộ Công thương có đề xuất thí điểm cho phép công ty đa quốc gia được nhập thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Về nội dung này, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ đề xuất không thí điểm và kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Do đó, việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường.

Về luận điểm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, tại báo cáo về đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận: “Không giống như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng giúp bỏ thuốc lá, WHO không xác nhận thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục