Trang theafricareport.com ngày 18/4 đăng bài viết của ông Musa Kpaka, Cố vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu Tony Blair tại Sierra Leone với tư cách là Trưởng nhóm cố vấn kỹ thuật của Văn phòng Tổng thống, phân tích lý do tại sao châu Phi cần đến những đối tác phi truyền thống như Việt Nam.
Theo bài viết, phần lớn các nước châu Phi đã và đang thụ hưởng các thành quả của hình thức hợp tác phát triển Bắc-Nam, trong đó các nhà tài trợ phương Tây và các tổ chức đa phương cung cấp viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia trên lục địa này. Hình thức hợp tác này đã mang lại rất nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều điều cần làm để khiến cả lục địa chuyển mình.
Các nhà lãnh đạo của lục địa này đang ngày càng tìm kiếm nhiều hơn các quan hệ đối tác theo chiều ngang dựa trên sự bình đẳng, tin cậy và thịnh vượng chung.
Những gì Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua và những triển vọng sẽ đạt được trong tương lai khiến Việt Nam trở thành một ứng cử viên sáng giá cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi cùng hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong ba thập kỷ qua chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong khoảng thời gian hơn 30 năm, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 7%, cho đến năm 2020, sản lượng kinh tế một năm đạt 2.786 USD, cao hơn ít nhất 5 lần so với hai quốc gia châu Phi cận Sahara này. Bằng cách đó, về cơ bản, Việt Nam đã xóa bỏ tình trạng đói nghèo và đi đến cải thiện đời sống của hàng triệu người dân.
Lịch sử bị thuộc địa hóa và các cuộc xung đột dai dẳng luôn được mang ra để giải thích cho câu chuyện về sự phát triển kinh tế chậm chạp ở châu Phi. Việt Nam lại kể một câu chuyện khác. Đất nước này đã có thể đạt được những tiến bộ vượt bậc mặc dù cũng có một lịch sử thuộc địa lâu dài và nhiều thập kỷ chiến tranh. Đội ngũ lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, một nhà nước sẵn sàng làm việc với khu vực tư nhân, thử nghiệm chính sách và đầu tư vào nguồn nhân lực là những yếu tố then chốt cho sự thành công mà Việt Nam có được ngày nay.
Trong vài năm qua, sự phát triển của Việt Nam đã lọt vào “mắt xanh” của các nhà lãnh đạo châu Phi vì họ nhìn thấy những điểm tương đồng và cơ hội để phấn đấu giống như những điều mà Việt Nam đã làm rất tốt.
Với tham vọng đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang tìm kiếm các thị trường cận biên và cơ sở sản xuất mới. Dù là một nền kinh tế cực kỳ hướng về xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu chiếm 201% GDP, thương mại của Việt Nam với châu Phi còn hạn chế. Nếu hợp tác tốt, các quốc gia châu Phi có thể thu được nhiều lợi ích từ cách tiếp cận của Việt Nam đối với lục địa đen.
Việt Nam khó có thể trở thành một nguồn viện trợ tài chính hoặc các khoản cho vay khác cho các chính phủ châu Phi nhưng Việt Nam đang mang đến cơ hội học hỏi và phát triển chung. Chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin và học hỏi cùng làm là một phần những gì Việt Nam đang đặt ra cho châu Phi.
Để tận dụng lợi thế này, các chính phủ châu Phi đang tìm kiếm quan hệ đối tác với Việt Nam dựa trên các lợi ích chung đã được xác định với mục tiêu lâu dài.
Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio là nhà lãnh đạo châu Phi mới nhất tìm kiếm hợp tác với Việt Nam. Chứng kiến Việt Nam chuyển mình từ một nước nhập khẩu gạo ròng trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và tham vọng tự cung cấp lương thực cho Sierra Leone, Tổng thống Julius Maada Bio đã lấy nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản làm cơ sở cho sự hợp tác của mình. Hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác về chính trị và kinh tế, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Mô hình hợp tác phát triển toàn cầu đang thay đổi và châu Phi cần các đối tác phi truyền thống để học hỏi và phát triển cùng. Và Việt Nam là một trong những đối tác như vậy, bài viết kết luận./.