Việt Nam dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mekong-Lan Thương lần 6

Các bộ trưởng khẳng định thời gian tới sẽ thúc đẩy MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh chung cùng với Bộ trưởng ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Lan Thương lần thứ 6. (Ảnh: TTXVN phát)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh chung cùng với Bộ trưởng ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Lan Thương lần thứ 6. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 8/6 tại Trùng Khánh, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ sáu, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Hội nghị lần này đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của MLC. Các Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả hợp tác đã đạt được trong năm năm qua, nổi bật là việc sáu nước đã xây dựng các kế hoạch hành động trong năm lĩnh vực ưu tiên; thành lập các trung tâm hợp tác chuyên ngành; và triển khai hơn 500 dự án hợp tác về thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, y tế và văn hóa.

Các Bộ trưởng đặc biệt hoan nghênh những tiến triển đạt được trong hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong, trong đó có việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài nguyên nước MLC lần thứ nhất, thỏa thuận giữa sáu nước về chia sẻ số liệu thủy văn cả năm của sông Mekong-Lan Thương, và hợp tác giữa Trung tâm nguồn nước MLC và Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC).

Các bộ trưởng khẳng định thời gian tới sẽ thúc đẩy MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN, và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Các bộ trưởng nhấn mạnh những nguyên tắc hợp tác cơ bản gồm đồng thuận, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế, cũng như phù hợp với các quy định và luật pháp mỗi nước.

[Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác LMC với các nước khu vực sông Mekong]

Hội nghị đã thông qua ba văn kiện về tăng cường hợp tác phát triển bền vững, khuyến khích hợp tác giữa các địa phương; và hợp tác y học cổ truyền. Theo đó MLC sẽ chú trọng hợp tác nguồn nước và môi trường, Hội nghị khẳng định tầm quan trọng sống còn của hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong-Lan Thương và thống nhất gồm đẩy mạnh phối hợp trong giải quyết các vấn đề nguồn nước chung của khu vực như bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; giảm thiểu tác động của lũ lụt và hạn hán, bảo đảm dịch vụ vệ sinh và nước sạch; giám sát và chia sẻ thông tin nguồn nước; nâng cao năng lực quản lý và phát triển bền vững nguồn nước, và phát triển các cơ sở hạ tầng về nước; triển khai nghiên cứu chung giữa MRC và Trung tâm nguồn nước MLC về diễn biến thủy văn của lưu vực sông Mekong và chiến lược thích ứng.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy nhanh hợp tác về môi trường, đặc biệt là trong bảo tồn đa dạng sinh học, nước sạch và chất lượng không khí, cơ sở hạ tầng bền vững; xây dựng trung tâm tri thức MLC về hạ tầng xanh, phát thải thấp và bền vững; và quản lý tài nguyên rừng.

MLC tăng cường hợp tác ứng phó dịch COVID-19, đặc biệt là trong bảo đảm nguồn cung thiết bị và vật liệu y tế cần thiết; sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine; thúc đẩy hợp tác y học cổ truyền.

Phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa sáu nước, phát triển kinh tế số, hợp tác nông nghiệp, du lịch, giáo dục, tăng cường kết nối khu vực; phối hợp xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong-Lan Thương và gắn kết với các hành lang kinh tế đã có tại khu vực.

MLC khuyến khích hợp tác giữa chính quyền địa phương sáu nước để phát huy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các địa phương và nâng cao hiệu quả chung của MLC.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định sự coi trọng và đóng góp hiệu quả của Việt Nam đối với MLC ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng cho rằng MLC cần giải quyết ba yêu cầu cấp bách là ứng phó thành công dịch COVID-19, duy trì tăng trưởng kinh tế, và ngăn chặn suy thoái môi trường.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất bốn nhóm biện pháp chính. Một là hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống COVID-19; chuyển giao công nghệ về sản xuất vaccine một cách thiết thực, hiệu quả. Hai là tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là những mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi; thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về các yêu cầu và tiêu chuẩn tiếp cận thị trường. Ba là đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong thông qua tăng cường chia sẻ số liệu thuỷ văn, tham vấn xây dựng chính sách tài nguyên nước; thực hiện dự án chung về biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn, và tăng cường hợp tác giữa MLC và MRC. Bốn là thúc đẩy phối hợp giữa MLC với ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng khác; khuyến khích sự tham gia của các địa phương vào các chương trình, hoạt động của MLC.

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được các nước thành viên đánh giá cao, tiếp thu và thể hiện trong các văn kiện của Hội nghị.

Việt Nam dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mekong-Lan Thương lần 6 ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Triển lãm thành tựu hợp tác Mê kong- Lan Thương ngày 08/6/2021 tại Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các Bộ trưởng dành thời gian tham quan Triển lãm thành tựu hợp tác Mekong-Lan Thương, dự lễ khai trương website mới của Ban Thư ký hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) của Trung Quốc, khởi động nền tảng "Thanh niên Mekong-Lan Thương trực tuyến" và trao giải thiết kế áp phích MLC/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục