Chiều 23/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi tiếp và làm việc với ông Michael Kellner - Nghị sỹ Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên bang Đức, đồng thời làm Trưởng Đoàn kinh tế bao gồm đại diện của 12 doanh nghiệp lớn của CHLB Đức theo tháp tùng Đoàn Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thăm cấp Nhà nước Việt Nam.
Hoan nghênh đoàn công tác của Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên bang Đức theo tháp tùng Tổng thống Đức tới làm việc tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Frank-Walter được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới đẩy mạnh hợp tác trong một số trụ cột chính; trong đó, có hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, căng thẳng địa chính trị, địa kinh tế ngày càng có những diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp Đức vẫn coi Việt Nam là một trong các thị trường có tiềm năng phát triển nhất ở châu Á. Đồng thời, với chiến lược đa dạng hóa đầu tư của Đức, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến đầu tư tiềm năng và tin cậy của doanh nghiệp Đức.
Trong khuôn khổ buổi tiếp và làm việc, hai bên đã trao đổi tình hình thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và tác động của Hiệp định tới quan hệ song phương.
Hiệp định EVFTA đã tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, cũng như quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
Cụ thể trong việc thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Đức cũng như Hiệp định tạo thuận lợi cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại từ Đức. Qua đó, tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường.
Ở cấp độ vĩ mô, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng thuận lợi cho hợp tác đa lĩnh vực giữa Việt Nam và CHLB Đức trong thời gian tới.
Về lĩnh vực năng lượng, hai bên điểm lại nhiều dự án hợp tác hiệu quả trong thời gian qua. Phía Việt Nam cho rằng, Quy hoạch điện VIII được thông qua đã tạo ra không gian phát triển mới của ngành năng lượng, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế; trong đó, có các nhà đầu tư từ Đức quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy hợp tác với Chính phủ Đức trong lĩnh vực năng lượng như công nghệ năng lượng tái tạo (thủy triều, sóng biển, địa nhiệt...) và năng lượng mới (hydro, amoniac xanh...); chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng; công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu hiệu suất cao; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Về phần mình, ông Michael Kellner và đoàn doanh nghiệp lớn của Đức đánh giá Việt Nam là thị trường năng động và tiềm năng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, doanh nghiệp trong đoàn mong muốn hợp tác và đầu tư vào các công ty tại Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể như năng lượng tái tạo, thiết bị, công nghệ đo lường công nghiệp, vật liệu mới, dịch vụ môi trường, tổ chức hội chợ...
Trong bối cảnh thương mại hai chiều giữa Việt Nam và CHLB Đức phần nào có sự chững lại do nhiều nguyên nhân khách quan đến từ ảnh hưởng của dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas... việc nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Đức tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài tại Việt Nam tiếp tục là tiền đề cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiết thực trong nhiều lĩnh vực liên quan. Hơn nữa, đây cũng là điểm sáng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao./.
Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư tiềm năng của doanh nghiệp Đức
Trong 10 tháng của năm 2023, doanh nghiệp Đức đã tiến một bước mạnh mẽ trong việc củng cố sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, với tổng cộng có 26 dự án đầu tư đã được thực hiện.