Việt Nam-EU thúc đẩy hợp tác thương mại về nông, lâm, thủy sản

EU là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh.
Việt Nam-EU thúc đẩy hợp tác thương mại về nông, lâm, thủy sản ảnh 1Chế biến cá tra cắt khúc đông lạnh tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chiều 1/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với ông Pier Georgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Cuộc làm việc với mục đích tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng Việt Nam-EU trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

EU là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản. Các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như càphê, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

[Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-EU về thương mại, đầu tư và nông nghiệp]

Kể từ 1/8/2020 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực, thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 bên ngày càng khởi sắc.

Trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19 thì 8 tháng năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 2.38 tỷ USD, tăng 8,11% so với cùng kỳ 2020; nhập khẩu là 542 triệu USD, tăng 2,24%.

“EU là thị trường lớn tiềm năng cho nông sản nhiệt đới; trong đó, có nông sản Việt Nam. Hiệp định tạo thêm cơ hội và xung lực mạnh mẽ và hợp tác thương mại, thời gian tới là đầu tư trong nông nghiệp,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.

Việt Nam-EU thúc đẩy hợp tác thương mại về nông, lâm, thủy sản ảnh 2Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, tăng trưởng xanh. Ngoài phải đối mặt với biến đổi khí hậu, dịch COVID-19, Việt Nam thấy rằng tăng trưởng nông nghiệp vẫn dựa vào số lượng, giờ chuyển sang tăng trưởng dựa vào chất lượng và đa giá trị của nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, EU quan tâm đến nâng cao năng lực cho hợp tác xã, nâng cấp hạ tầng ở quy mô nhỏ như dự án của Bỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long là xây dựng kho bảo quản nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời, để nông dân có thể bảo quản sản phẩm ở cấp độ nhỏ, từ đó nâng dần lên.

Bộ trưởng cũng đề nghị, Đại sứ hỗ trợ thu hút doanh nghiệp EU tăng cường đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam theo hướng công nghệ cao, chế biến sâu, áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững môi trường kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp địa phương và nông dân.

Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI của EU xuất khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu cần thiết sang Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để hai bên thúc đẩy thương mại hài hòa và bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất, EU có thể cử nhóm chuyên gia về từng lĩnh vực, về an an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc làm việc cùng với cơ quản lý Việt Nam, hoặc EU có thể đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm trước khi xuất khẩu sang EU. Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện những khuyến nghị của EC trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Theo đó, chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành và là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam. Từ đó, giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng cảm ơn phía EU đã rất quan tâm và hỗ trợ Việt Nam vấn đề này trong thời gian qua và cam kết nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU. Bộ trưởng cũng đề nghị EU xem xét sớm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam.

Bộ trưởng cũng đề nghị EU hỗ trợ một số nội dung cụ thể để phát triển ngành như: xây dựng chuỗi logistics lạnh thông minh kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ với cảng Cái Mép-Thị Vải nhằm khuyến khích xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang châu Âu và Trung Đông.

Cùng đó, phát triển thủy sản bền vững nhằm giải quyết triệt để vấn đề khai thác IUU; trong đó, có Hợp phần thi công trình dự án thủy sản dự kiến phê duyệt tháng 11/2021; phát triển ngành lâm nghiệp đa mục tiêu…

Theo Đại sứ Pier Georgio Aliberti, qua hơn 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), hai bên đã cùng nhau hợp tác và kỳ vọng tiếp tục có các cuộc đối thoại sâu, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Việt Nam sẽ thực thi hiệu quả Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).

Về phát triển hạ tầng, trong đó có vấn đề xây dựng chuỗi bảo quản lạnh kết nối cảng Cái Mép-Thị Vải, Đại sứ Pier Georgio Aliberti đánh giá đây là vấn đề quan trọng.

EU có thể hỗ trợ cung cấp các vấn đề về kỹ thuật cho phát triển bảo quản lạnh với mặt hàng rau quả của Việt Nam để xuất khẩu sang EU. Về vấn đề kiểm dịch động thực vật thì hai bên cần tiếp tục trao đổi để tìm ra các giải pháp.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và Đại sứ đều thống nhất việc hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản.

Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.