Việt Nam ghi nhận gần 10.000 ca mắc COVID-19 trong ngày 12/8

Ngày 12/8, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có số mắc cao nhất (3.841 ca), tiếp đó là Bình Dương (3.028 ca), Đồng Nai (1.071 ca), Hà Nội, Đà Nẵng (mỗi địa phương 78 ca), trong đó có 2.226 ca trong cộng đồng.
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân phường Văn Chương, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 12/8, cả nước ghi nhận 9.667 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 9.653 ca trong nước.

Tổng cộng cả ngày, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có số mắc cao nhất (3.841 ca), tiếp đó là Bình Dương (3.028 ca), Đồng Nai (1.071 ca), Long An (354 ca), Tiền Giang (212 ca), Khánh Hòa (172 ca), Đồng Tháp (132 ca), Cần Thơ (128 ca), Trà Vinh (91 ca), Tây Ninh (79 ca), Hà Nội, Đà Nẵng (mỗi địa phương 78 ca), trong đó có 2.226 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 12/8, Việt Nam có 246.568 ca nhiễm trong đó có 2.395 ca nhập cảnh và 244.173 ca nhiễm trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước kể từ ngày 27/4 đến nay là 242.603 ca, trong đó có 86.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Cũng trong ngày 12/8, cả nước có 3.991 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 89.145 ca.

[Chiều 12/8: Ghi nhận 5.025 ca mắc mới, Bình Dương nhiều nhất cả nước]

Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 499 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21 ca.

Chiều 12/8, Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 từ ngày 1-12/8, ghi nhận 326 ca tử vong (từ số 4.488-4.813).

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 12.098.821 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 11.006.121 liều, tiêm mũi 2 là 1.092.700 liều.

Có thể có vaccine phòng COVID-19 trong nước trong tháng Chín

Sáng 12/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở trong nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chung về công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Nanocovax phòng COVID-19 cho tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt 3 tại Học viện Quân y. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ có liên quan, các Hội đồng cùng “xắn tay áo” vào cuộc, hướng dẫn về quy trình, thủ tục để các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế như kit xét nghiệm… đáp ứng ngay, không để vì thủ tục hành chính mà ách tắc công việc.

Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế tổ chức thực hiện tốt hơn, là đầu mối điều phối, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các nhà nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tham vấn ý kiến, nhận hỗ trợ từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế.

Bộ Y tế kiện toàn Tổ công tác đặc biệt của Bộ về vaccine phòng COVID-19, hoàn thiện quy chế hoạt động của Tổ nếu cần thiết và phải hoạt động thật hiệu quả, thực chất.

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thông tư về cấp giấy lưu hành thuốc và vaccine sản xuất trong nước theo tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại yêu cầu tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vaccine, “loại vaccine tốt nhất là vaccine được cấp phép và được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất."

Cùng với vaccine, Thủ tướng yêu cầu tích cực hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, nhất là kit xét nghiệm.

Thủ tướng nhấn mạnh tất cả chúng ta cần cố gắng, quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có vaccine tự sản xuất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng Chín này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước.

Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương đi vào hoạt động

Trước yêu cầu cấp bách, tăng cường năng lực hồi sức tích cực, cứu chữa ca bệnh nặng và giảm thiểu tử vong, chiều 12/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phối hợp Tổng Công ty Becamex IDC chính thức đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex.

Bệnh viện có quy mô 437 giường, chuyên nhiệm vụ thu dung hồi sức, cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nặng, các bệnh nhân nguy kịch.

Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương đã bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ Y tế đã phân công Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tham gia Ban lãnh đạo, phụ trách chuyên môn, giữ vai trò Giám đốc Y khoa của Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương và huy động nguồn nhân lực y tế đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện này.

Với việc phân tuyến điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng," Bình Dương được các chuyên gia y tế đánh giá đang hoạt động rất tốt ở công tác thu dung, điều trị các F0 triệu chứng nhẹ ở tầng 1.

Đặc biệt, các bệnh viện dã chiến hiện đại, quy mô lớn được tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn đưa vào hoạt động thời gian qua đã phát huy tối đa vai trò của mình, hàng chục ngàn F0 đã được tiếp nhận điều trị với hàng ngàn ca chữa khỏi.

Riêng Bệnh viện dã chiến số 1 do Tổng Công ty Becamex IDC vận hành sau gần 1 tháng hoạt động đã tiếp nhận điều trị cho 1.500 bệnh nhân, tính đến sáng 12/8 đã có 1.062 ca được xuất viện đưa về theo dõi sức khỏe tại nhà.

Bình Dương hiện có 4 bệnh viện dã chiến, 16 khu điều trị với tổng quy mô 17.240 giường.

30 số điện thoại thường trực 24/24 khám, tư vấn cho bệnh nhân

Từ 9 giờ ngày 12/8, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa vào hoạt động 30 số điện thoại di động chuyên tư vấn khám bệnh online qua điện thoại cho bệnh nhân (không phải là bệnh nhân COVID-19). Các số điện thoại này sẽ thường trực suốt ngày đêm để khám, tư vấn cho bệnh nhân.

Đây là các số điện thoại di động đại diện cho 30 chuyên khoa của bệnh viện như: Ung thư, Nội tiết, Tim mạch, Chấn thương chỉnh hình, Thần kinh, Hô hấp, Tiêu hóa, Tiết niệu, Thận nhân tạo, Chăm sóc giảm nhẹ… để tư vấn, khám bệnh qua điện thoại hoặc video call cho bệnh nhân khi có nhu cầu. Các “tổng đài đặc biệt” của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bắt đầu hoạt động từ 9 giờ ngày 12/8.

Việc Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai 30 số điện thoại khám online nhằm giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, để thân nhân bệnh nhân có thể tự chăm sóc sức khỏe cho người thân theo từng bệnh lý đặc thù.

Điều này sẽ giúp phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của bệnh, tránh tình trạng đưa bệnh nhân đến cấp cứu trong những tình huống không cần thiết, dẫn đến nguy cơ mắc COVID -19, nhưng cũng không để bệnh nhân trở nặng mới đưa đến bệnh viện làm lỡ thời gian vàng điều trị cho bệnh nhân.

Nghiêm cấm tăng giá tùy tiện, đầu cơ, tích trữ trang thiết bị chống dịch

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế về việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh và rà soát công khai giá trang thiết bị y tế trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị y tế nói chung và đặc biệt là mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc nắm bắt yêu cầu của thị trường và nhu cầu phòng, chống dịch.

Các đơn vị cần có kế hoạch chủ động nguồn nguyên liệu, phương án nâng cao năng lực sản xuất, nhập khẩu đảm bảo cung ứng trang thiết bị y tế đủ về số lượng và chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, địa phương đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và công tác khám bệnh, chữa bệnh.

(Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Bộ Y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện hoặc đầu cơ, tích trữ gây ảnh hưởng đến việc cung ứng vật tư, sinh phẩm chẩn đoán, thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các đơn vị, địa phương trên cả nước.

Các đơn vị cần thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế (phân loại, công bố đủ điều kiện sản xuất, công bố đủ điều kiện mua bán, công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế loại A, đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại B, C, D và nhập khẩu trang thiết bị y tế).

Trước đó, liên quan đến việc công khai giá các mặt hàng trang thiết bị y tế, chiều 11/8, Bộ Y tế đã có Văn bản số 6546/BYT-TB-CT gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh đề nghị làm rõ việc chênh lệch giá gấp đôi đối với máy thở.

Bộ Y tế đề nghị Công ty An Sinh khẩn trương, nghiêm túc rà soát và có báo cáo giải trình rõ lý do công bố giá cao đột biến (chênh lệch tới khoảng 210% so với giá trong báo giá).

Công văn giải trình, làm rõ phải được gửi về Bộ Y tế trước 17h00 ngày 13/8/2021. Nếu quá thời gian trên mà Công ty An Sinh không có giải trình thì Bộ Y tế sẽ thực hiện việc tạm dừng tài khoản về thông tin công bố giá của công ty này trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.

Ngày 12/8/2021, Bộ Y tế đã có Văn bản số 6565/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống COVID-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động theo hướng dẫn tại Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế, cụ thể: xét nghiệm sàng lọc hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc COVID-19; xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc COVID-19.

Tình hình dịch bệnh đến chiều 12/8:

Số ca nhiễm: 246.568.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch từ 27/4 đến nay: 242.603 ca.

Số ca tử vong: 4.813, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là 3.807 ca; Bình Dương: 284; Thủ đô Hà Nội: 32 ca

Số ca đã được công bố khỏi bệnh: 89.145

Số tiêm chủng: 12.098.821 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 11.006.121 liều, tiêm mũi 2 là 1.092.700 liều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục