Theo phóng viên TTXVN tại New York, từ ngày 27-31/3, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York diễn ra phiên họp lần thứ nhất Hội nghị thương lượng một công cụ pháp lý ràng buộc nhằm cấm vũ khí hạt nhân, tiến tới loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Trưởng Phái đoàn Costa Rica tại Geneve đã được bầu làm Chủ tịch chủ trì hội nghị này.
Trong phát biểu khai mạc, ông Kim Won-soo, Phó Tổng Thư ký, Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về các vấn đề giải trừ quân bị nhấn mạnh hòa bình, an ninh quốc tế và sự tồn vong của loài người tiếp tục bị đe dọa bởi sự tồn tại của vũ khí hạt nhân.
Thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ chạy đua vũ trang, hiện đại hóa năng lực và các kho vũ khí hạt nhân, các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác rơi vào tay các chủ thể phi nhà nước. Trong khi đó, các cơ chế quốc tế về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn gặp nhiều bế tắc.
Phó Tổng Thư ký khẳng định, việc xây dựng một thế giới phi vũ khí hạt nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm chung của các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân và cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực vì mục tiêu giải trừ hạt nhân toàn diện, trong đó có việc thương lượng một công cụ ràng buộc pháp lý cấm vũ khí hạt nhân.
Phó Tổng Thư ký tin tưởng rằng công cụ này sẽ góp phần bổ trợ cho Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) và sớm thu hút sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên.
Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao ngày 28/3, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự khóa họp, chia sẻ quan ngại về mối đe dọa của vũ khí hạt nhân đối với hòa bình và an ninh quốc tế và hậu quả về mặt nhân đạo của vũ khí hạt nhân.
Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán và cam kết của Việt Nam đối với các nỗ lực quốc tế nhằm giải trừ toàn diện và triệt để vũ khí hạt nhân, trong đó có việc tổ chức hội nghị lần này.
Đại sứ nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của một công cụ pháp lý ràng buộc cấm vũ khí hạt nhân cũng như mối quan hệ mật thiết và bổ trợ lẫn nhau giữa công cụ này với NPT các công ước liên quan vũ khí hủy diệt hàng loạt, như công ước cấm vũ khí sinh học và hóa học, hy vọng công cụ này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về tác hại của vũ khí hạt nhân, đề cao quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và hỗ trợ các nước, nhất là các nước đang phát triển, trong quá trình thực hiện.
Đại sứ Việt Nam cũng kêu gọi các nước có vũ khí hạt nhân thực hiện cam kết giải trừ hạt nhân, bảo đảm không tấn công hạt nhân vào các quốc gia không có vũ khí hạt nhân và tôn trọng các khu vực phi vũ khí hạt nhân; đồng thời khẳng định việc thúc đẩy, duy trì và củng cố hòa bình và an ninh quốc tế là trách nhiệm của tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có việc tuân thủ đầy đủ các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc như tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Tham dự hội nghị có các đoàn của trên 120 nước, đại diện của nhiều tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Ngay trước hội nghị, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc và đại diện một số nước đã gặp báo chí thông tin về việc gần 40 nước không tham gia hội nghị.
Mỹ khẳng định cam kết giải trừ và ngăn ngừa phổ biến vũ khí, công nghệ hạt nhân, song điều kiện an ninh hiện nay chưa phù hợp để đàm phán một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, nên Mỹ và đồng minh vẫn cần duy trì chính sách răn đe hạt nhân để bảo đảm an ninh và ổn định.
Hội nghị kéo dài 4 ngày sẽ bao gồm nhiều phiên thảo luận với các chủ đề về những nguyên tắc, mục tiêu và thành tố ở phần mở đầu Hiệp ước, các biện pháp cấm chủ chốt, các điều khoản và quy phạm pháp lý cùng hệ thống thể chế giám sát và thực thi./.