Trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng bất định và dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều, Chính phủ vẫn tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và sức chống chịu của nền kinh tế. Theo đó, diễn biến tăng trưởng kinh tế và lạm phát tiếp tục được theo dõi sát với những động thái, thông điệp điều hành xuyên của Chính phủ trong suốt quý 1.
[Mỹ thắng kiện Trung Quốc về áp hạn ngạch thuế với gạo, lúa mỳ]
Nội dung trên được ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề cập tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định,” do CIEM tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 19/4.
GDP quý 1 thấp hơn kịch bản
Theo ông Dương, tăng trưởng GDP trong quý 1 đạt 6,79% thấp hơn so với quý 1/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, tuy nhiên con số này vẫn cao hơn so với cùng kỳ của giai đoạn 2009-2017. Song để đạt mục tiêu cho cả năm 2019, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong các quý còn lại khi mà nền kinh tế tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng tiềm năng (thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP) suy giảm.
“Kết quả phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng,” ông Dương chỉ ra.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo cáo của CIEM đưa ra khá nhiều thách thức trong các khu vực kinh tế. Khối doanh nghiệp đang điều chỉnh mạnh về cơ cấu, trong đó tình hình sản xuất kinh doanh ở quý 1 của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm sự lạc quan. Bài toán “muôn thuở” vẫn còn nguyên đó là những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp luôn vấp phải trong qua trình gia nhập thị trường. Ngoài ra, vấn đề lớn nhất vẫn đang tồn tại trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” và tiếp cận thông tin minh bạch.
Kiềm chế giá cả… mang tính hành chính
Về lạm phát, lý giải các nguyên nhân tác động đến CPI bình quân trong quý 1 có mức tăng 2,63%, nhóm tác giả thực hiện báo cáo của CIEM chỉ ra một số yếu tố như việc giảm chỉ số giá tại nhóm hàng lương thực, thực phẩm, thêm vào đó việc điều chỉnh tăng giá điện từ cuối tháng Ba chưa phản ánh hết vào CPI.
Điểm đáng lưu ý khác được báo cáo nhắc đến, đó là cách thức kiềm chế giá cả trên thị trường còn mang nặng tính “hành chính.”
Bên cạnh đó, việc chỉ số lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83%, theo các tác giả, điều này cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ mang tính ổn định nhờ đó không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Và, sau khi phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý 1, nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo đã đưa ra dự báo, mức tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 ước đạt 6,88%, trong đó tăng trưởng xuất khẩu ở mức 9,02%, thặng dư thương mại quanh khu vực 3,1 tỷ USD và mức tăng giá tiêu dùng cả năm khoảng 3,71%.
Chất lượng cổ phần hóa chưa cải thiện
Ngoài ra, khi đánh giá kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2017-2018, báo cáo đã chỉ ra nhiều thách thức ở phía trước. Nhóm tác giả đặc biệt nhấn mạnh, việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng sẽ gặp khó khăn hơn bên cạnh đó chất lượng cổ phần hóa chưa có dấu hiệu cải thiện. Một số thực trạng dễ dàng nhận thấy, đó là việc thực hiện quy định và chính sách cổ phần hóa còn nhiều vướng mắc, cụ thể là việc xử lý các vấn đề đất đai và tài chính.
Một trong những nguyên gây ra tình trạng trên phải kể đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thêm vào đó quá trình thực thi kỷ luật hành chính là chưa nghiêm và cơ chế xử lý vi phạm không rõ ràng…
“Việt Nam sẽ phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu đến từ nền tảng kinh tế vi mô. Và, tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật khá phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện,” ông Dương nhấn mạnh,
Trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được các lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp trong nước kỳ vọng khá nhiều, song ông Dương cho hay, hiện các hướng dẫn và sửa đổi Luật thực hiện có phần “ì ạch” và hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện.
“Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội đã cho thấy sự sát sao nhưng mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được các cấp, ngành, địa phương nhận thức và thực hiện đầy đủ,” ông Dương nhấn mạnh./.