Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Campuchia

Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã triển khai tốt và có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của Campuchia, trong đó tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Campuchia ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNC. (Ảnh: Phóng viên TTXVN tại Campuchia)

Hợp tác kinh tế-thương mại đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển vì lợi ích của hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh đã đưa ra khẳng định trên trong cuộc phỏng vấn độc quyền của CNC - một trong những kênh truyền hình có lượng khán giả lớn tại Campuchia, trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, diễn ra từ ngày 25-26/2.

Trả lời câu hỏi về quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Campuchia có những điểm gì đáng ghi nhận trong nhiều năm qua, Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định thời gian qua, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã phối hợp chặt chẽ, triển khai các hoạt động hợp tác quan trọng trên tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân, góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển vì lợi ích của hai nước. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác kinh tế thương mại quan trọng hàng đầu của Campuchia.

Đặc biệt, từ đầu năm 2018 tới nay, các hoạt động hợp tác kinh tế trong khuôn khổ đa phương và song phương cấp cao diễn ra sôi động, trong đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần sang Campuchia để dự Hội nghị Mekong-Lan Thương và Hội nghị Ủy hội sông Mekong (MRC).

Về phía Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã sang tham dự Hội nghị Tam giác phát triển lần thứ 10 và Hội nghị tiểu vùng các nước sông Mekong lần thứ 6 tại Hà Nội.

Thủ tướng Hun Sen cũng đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 6/12/2018. Bên cạnh đó, hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Năm 2018, các hoạt động thương mại giữa Việt Nam-Campuchia diễn ra sôi động, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và đạt 4,7 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2017.

Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam và Campuchia đã ký và thực hiện thành công hằng năm Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương, trong đó phía Việt Nam dành ưu đãi cho một số mặt hàng nông sản của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam với thuế suất nhập khẩu là 0%, trong đó có một số mặt hàng nông sản quan trọng như cao su, hạt điều, sắn lát, lá thuốc lá, gạo. Bản thỏa thuận này đã giúp nông dân Campuchia có thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài ở Việt Nam, qua đó giúp cho ngành nông nghiệp của Campuchia phát triển nhanh và bền vững.

Về tiềm năng đầu tư tại Campuchia, Đại sứ cho biết tính đến hết tháng 1/2019, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 210 dự án đầu tư tại Campuchia, trong đó số dự án còn hiệu lực là 174, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3 tỷ USD, quy mô trung bình đạt 14 triệu USD/dự án. Vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đạt khoảng 1,5 tỷ USD (đạt tỷ lệ 50%). Campuchia hiện đứng thứ 2 trong tổng số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía Campuchia, tính đến nay, Campuchia có 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 64,67 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, vận tải kho bãi...

[Quan hệ với Việt Nam là cơ sở cho những thành tựu của Campuchia]

Đại sứ cho biết nhìn chung các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã triển khai tốt và có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của Campuchia, trong đó tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp với 54 dự án, số vốn đăng ký là 2,12 tỷ USD (chiếm 70% tổng vốn đăng ký). 

Đại sứ khẳng định Campuchia còn rất nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường đầu tư như nuôi trồng, sản xuất, chế biến các loại nông sản, lâm sản và thủy sản, các dịch vụ du lịch, khách sạn, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, bất động sản, y tế, hàng không; chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối năng lượng điện tái tạo như điện gió và điện Mặt Trời...

Đại sứ cho rằng nếu doanh nghiệp hai nước hợp tác tốt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư cùng các chính sách khuyến khích hiệu quả của Chính phủ hai nước thì Việt Nam và Campuchia sẽ phát huy được tiềm năng và ưu thế của mỗi nước, hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi doanh nghiệp để cùng phát triển vì lợi ích của mỗi doanh nghiệp và của hai nước, với tính bổ trợ, bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh.

Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Campuchia ảnh 2Quang cảnh buổi ghi hình phỏng vấn. (Ảnh: Phóng viên TTXVN tại Campuchia)

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ cho biết lãnh đạo hai nước sẽ tái khẳng định lại sự cần thiết tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa hai Chính phủ và các bộ, ngành liên quan của hai nước, tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai bên cũng sẽ trao đổi về các biện pháp lớn, các cơ chế và khuôn khổ chính sách nhằm tiếp tục thúc đẩy xúc tiến thương mại và đầu tư, bao gồm việc tổ chức thường xuyên cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với đại diện các cơ quan của Chính phủ mỗi nước, cũng như đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia với Chính phủ và các bộ, ngành của Campuchia nhằm trao đổi, kiến nghị giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia.

Trên cơ sở đó, Chính phủ hai nước cam kết hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến thủ tục, đầu tư, kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và doanh nghiệp Campuchia tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Campuchia chuẩn bị sửa đổi, hoàn thiện Luật Đầu tư.

Hai bên sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng nâng cao hiệu quả việc phối hợp thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác liên quan đến đầu tư, thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, CNC dẫn lời Đại sứ Vũ Quang Minh một lần nữa nhấn mạnh thời gian qua, theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài," quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Campuchia phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Đại sứ khẳng định hai nước sẽ tiếp tục cùng chung tay gìn giữ, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, chung sức, chung lòng vun đắp cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng phát triển bền chặt vì lợi ích chung, vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của hai nước, hai dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.