Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của ngành bông Mỹ

Mỹ là quốc gia xuất khẩu bông lớn nhất thế giới; trong đó Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của bông Mỹ với thị phần luôn đạt trên 50%, giá trị nhập khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Ngày hội Cotton Day 2019 thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Ngày hội Cotton Day 2019 thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chiều 12/7, Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và các hiệp hội trong ngành dệt may tại Việt Nam tổ chức Ngày hội Cotton Day 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một trong những sự kiện do CCI tổ chức tại nhiều quốc gia châu Á; trong đó có Việt Nam

Ông Hank Reichle, Chủ tịch Hiệp hội Bông Mỹ cho biết, tại Ngày hội Cotton Day 2019, CCI giới thiệu những công nghệ mới nhất về bông và sản phẩm làm từ bông, nhằm tạo cảm hứng đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng dệt may. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu dệt may-thời trang Việt Nam phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Ngày hội Cotton Day 2019 có nhiều hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin hữu ích cho doanh nghiệp sử dụng bông và sản phẩm làm từ bông Mỹ.

Sau hơn 10 năm hoạt động trong mảng thương mại ở Việt Nam, đã có 28 nhà máy đối tác tin tưởng thương hiệu COTTON USA, với tổng lượng bông Mỹ đăng ký đạt hơn 400.000 tấn/năm.

Nhân dịp này, Ban tổ chức còn triển khai trình diễn thời trang giới thiệu bộ sưu tập COTTON USA mới nhất từ hai nhãn hàng CANIFA và JOHN HENRY.

Ngày hội Cotton Day 2019 mang lại cơ hội giao lưu giữa doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam với đối tác, nhà cung cấp và với COTTON USA.

Theo đại diện cơ quan xúc tiến xuất khẩu của Hội đồng Bông Quốc gia Mỹ (NCC), trong thời gian qua việc quảng bá bông và sản phẩm làm từ bông Mỹ được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu với thương hiệu COTTON USA thông qua 20 văn phòng đại diện, hoạt động ở 50 quốc gia trên toàn thế giới.

[Dệt may Việt Nam cần công nghệ hiện đại để bắt kịp xu hướng thế giới] 

Mỹ là quốc gia xuất khẩu bông lớn nhất thế giới trong nhiều năm liền; trong đó Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của bông Mỹ. Cụ thể, tại thị trường Việt Nam, thị phần bông Mỹ luôn đạt trên 50% với giá trị nhập khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD.

Ông Jason Condrey, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất bông Mỹ (ACP) cho hay, ngành sản xuất bông Mỹ hướng đến mục tiêu bông không lẫn tạp chất và tăng cường giải pháp thu hoạch bằng máy 100%.

Ngành sản xuất bông Mỹ cũng cam kết cao về chất lượng bằng những ý tưởng mới như chương trình đào tạo tích cực sẽ giúp giảm đáng kể các vấn đề về nhựa, hệ thống kiểm soát tại nhà mát cán bông...

Mỹ là quốc gia dẫn đầu về trồng bông bền vững, nên không ngừng hỗ trợ nhãn hàng và nhà bán lẻ muốn truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trong chuỗi cung ứng để đạt những yêu cầu về môi trường và xã hội theo các tiêu chuẩn Liên hiệp quốc. Song song đó là những khuyến khích với khách hàng đạt những mục tiêu về phát triển xã hội, môi trường sinh thái và kinh tế trên toàn chuỗi cung ứng.

Mặt khác, ngành sản xuất bông Mỹ còn chủ động thực hiện những cải tiến quan trọng để nâng cao hiệu quả "giao hàng," gồm: kê khai giấy tờ điện tử, nhật ký vận tải điện tử, hình thành những trung tâm rơmoóc... Mỗi kiện bông COTTON USA có một nhãn cố định giúp truy xuất nguồn gốc của bông cùng với những đặc tính như độ dài xơ, cường lực, màu sắc...

Để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, Bộ Nông nghiệp Mỹ nên xem xét và xúc tiến xây dựng tổng kho ngoại quan tại Việt Nam để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bông.

Bên cạnh đó, hai nước cần có chiến lược chính sách, phát triển hạ tầng, mô hình quản trị, công nghệ tự động hóa... nhằm tăng cơ hội kết nối chuỗi cung ứng-sản xuất giữa Mỹ và Việt Nam nói riêng, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.

Theo ông Vũ Đức Giang, thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), những nước trước đây chưa nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam đã bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang tác động đến tầm nhìn dài hạn của nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam với định hướng phát triển bền vững ngành dệt may. Chính vì vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có nhu cầu về nguồn nguyên vật liệu chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ./.

Một số hình ảnh tại Ngày hội Cotton Day 2019 ở TP.HCM

Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của ngành bông Mỹ ảnh 1Ông Hank Reichle, Chủ tịch Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) phát biểu khai mạc Ngày hội Cotton Day 2019. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của ngành bông Mỹ ảnh 2Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp thảo luận bên lề Ngày hội Cotton Day 2019. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của ngành bông Mỹ ảnh 3Doanh nghiệp và người mua hàng kết nối giao thương tại Ngày hội Cotton Day 2019. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.