Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Anh

Giá trị xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam tăng hơn gấp đôi từ hơn 47 tỷ USD trong năm 2015 lên gần 97 tỷ USD năm 2019 và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tăng nhanh.
Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Anh ảnh 1Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Việt Nam là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Anh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử.

Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đưa ra ý kiến trên tại hội thảo trực tuyến về cơ hội đầu tư trong ngành điện tử tại Việt Nam được tổ chức vào ngày 30/6, thu hút sự tham dự của nhiều doanh nghiệp Anh.

Hội thảo, do ngân hàng Santander và UOB (United Overseas Bank), techUK (Hiệp hội thương mại công nghệ Anh) và Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh phối hợp tổ chức, đã thảo luận về các tiềm năng và lợi thế khi đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử đang tăng trưởng cao tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu sản phẩm điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị xuất khẩu sản phẩm điện tử tăng hơn gấp đôi từ hơn 47 tỷ USD trong năm 2015 lên gần 97 tỷ USD năm 2019. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tăng nhanh, với sự góp mặt của nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới như Samsung Electronics, Intel, LG Electronics...

Tại hội thảo, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng đã chỉ ra các lợi thế khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, bao gồm vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam tại Đông Nam Á, chính trị ổn định, chính sách đầu tư cởi mở với nhiều ưu đãi, chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực thời kỳ dân số vàng... Việt Nam cũng là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất tại châu Á vào năm 2020 và tăng trưởng GDP dự kiến đạt 7% trong năm 2021.

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết các cuộc khảo sát do Cục Đầu tư Nước ngoài thực hiện cho thấy 60% các doanh nghiệp nước ngoài được hỏi cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam là môi trường đầu tư hiệu quả.

[Khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Anh]

Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng kêu gọi các doanh nghiệp Anh tăng cường đầu tư vào Việt Nam nói chung, và ngành điện tử nói riêng, trong bối cảnh tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Anh còn rất lớn sau khi hai nước ký hiệp định thương mại tự do hậu Brexit và Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại hội thảo, bà Tiffany Trang Pham, trưởng đại diện thị trường châu Âu-Mỹ tại Việt Nam thuộc Liên doanh khu công nghiệp Deep C, cũng cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do một số yếu tố như giá nhân công tăng tại Trung Quốc, đại dịch COVID-19, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trong khi đó, Việt Nam hiện đứng thứ tư về thu hút đầu tư nước ngoài mới tại châu Á-Thái Bình Dương, với những lợi thế như vị trí thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, lực lượng lao động dồi dào, chi phí hoạt động thấp.

Bà Tiffany Trang Pham cho rằng đầu tư tại Việt Nam - một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới, sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Anh mở rộng quan hệ với các đối tác thuộc ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.