“Nếu Trung Quốc định hình một mạng lưới cơ sở hạ tầng từ Vân Nam qua Lào, Campuchia rồi xuống Thái Lan, Malaysia, Singapore thì mạng lưới cơ sở hạ tầng mà Việt Nam đang đầu tư theo trục Bắc – Nam có thể sẽ mất đi ưu thế hiện thời khi không có kết nối theo hướng Đông – Tây. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào cảng biển của Campuchia và Thái Lan có thể làm các cảng biển quan trọng của Việt Nam mất đi lợi thế trong tương lai.”
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành đã nhấn mạnh đến khả năng Việt Nam có thể mắc "bẫy cơ sở hạ tầng" trước sáng kiến đầy tham vọng “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Trung Quốc về việc cải thiện và tạo nên những tuyến đường kinh doanh, liên kết và cơ hội kinh doanh mới với Trung Quốc, bao trùm hơn 60 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Theo ông Thành, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” có đa mục tiêu, trong đó bao gồm cả kinh tế và quân sự. Theo đó, Trung Quốc đã sử dụng các cơ chế huy động vốn đa phương như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Quỹ Con đường tơ lụa (SRF) và các cơ chế song phương để triển khai sáng kiến này kể từ năm 2013 đến nay và các cơ chế tài chính đa phương được huy động cho OBOR đã được định hình trong năm 2014.
Trên thực tế, kể từ khi sáng kiến trên được công bố, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á với trọng tâm là việc xây dựng hàng lang kinh tế Trung Quốc – Bán đảo Đông Dương (các tuyến đường cao tốc ASEAN và đường sắt Singapore – Côn Minh chạy từ châu thổ sông Châu Giang đến Singapore, thông qua tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) và các nước Đông Dương.
Ngoài ra, những dự án cảng ven biển bán đảo Đông Dương nằm dọc hoặc nằm cuối mạng lưới giao thông trên, như cảng Sihanoukvile, Kuantan, Kyaukpyu, Sittwe.
Về tác động đối với Việt Nam, nghiên cứu cho rằng, kể cả khi không tham gia vào OBOR, không kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có thể tự mình rơi vào "bẫy cơ sở hạ tầng."
Cụ thể, khi một khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư và hình thành sẽ có ưu thế về kết nối với các khu vực khác. Ngược lại quốc gia hoặc khu vực nào không có sự đầu tư thỏa đáng về sẽ dần mất ưu thế. Bởi vậy, sự xuất hiện của đòn bẩy cơ sở hạ tầng sẽ làm gia tăng chi phí cơ hội của quốc gia và về lâu dài có thể đẩy sự phát triển của một quốc gia khác ra “vùng ven” nếu quốc gia đó không có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển hoặc không kết nối được với hệ thống của cả khu vực.
Về hàm ý chính sách, ông Thành đề xuất việc phát triển các hành lang giao thông, trên cơ sở xây dựng các hành lang kinh tế.Theo đó, Việt Nam nên tận dụng hệ thống cảng và ưu thế đường biển, kết nối giao thông đường thủy giữa các nước ASEAN tại lưu vực sông Mekong đồng thời phát triển kết nối cơ sở hạ tầng Đông – Tây với ASEAN, ưu tiên trục giao thông Thái Lan – Campuchia – Tây Ninh – Sài Gòn – Vũng Tàu để phát huy lợi thế cảng Cái Mép – Thị Vải…/.