Việt Nam-Mexico có nhiều dư địa để đẩy mạnh hợp tác thương mại, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Mexico" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Mexico tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 23/3.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc ITPC, cho biết những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng, phát triển; đặc biệt kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và đi vào hiệu lực kể từ đầu năm 2019.
Là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Song song đó, Việt Nam cũng trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp Mexico ngày càng quan tâm. Hiện nay, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng tích cực, đạt 5,421 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico ước đạt 4,532 tỷ USD.
Thời gian tới, Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với Mexico, tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao, ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Riêng quan hệ thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Mính và Mexico năm 2022 đạt 364 triệu USD; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu sang Mexico trên 300 triệu USD (xuất siêu) tăng 6% so với năm 2022.
Ông Alejandro Negrin Munoz, Đại sứ Mexico tại Việt Nam chia sẻ, Mexico nằm ở Bắc Mỹ, cũng thuộc Mỹ Latinh với hơn 11.000km bờ biển và có đường biên giới dài hơn 3.000km với Hoa Kỳ. Mexico là nước xuất khẩu lớn thứ 7 trên thế giới và thứ nhất ở khu vực Mỹ Latinh. Vào năm 2022, Mexico duy trì vị trí là nhà cung cấp phương tiện và hàng hóa nông nghiệp chính của Hoa Kỳ, đồng thời là nhà cung cấp máy móc và thiết bị điện tử lớn thứ hai của Hoa Kỳ.
Theo ông Alejandro Negrin Munoz, Mexico là quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha lớn nhất thế giới với hơn 126 triệu dân, nằm trong số 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô GDP đạt 1.370 tỷ USD vào năm 2022. Mexico là thành viên của G20, nhóm các quốc gia đại diện cho 90% nền kinh tế thế giới và 80% thương mại của nó.
[Việt Nam và Mexico xúc tiến hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư]
Về hội nhập, Mexico có mạng lưới 14 Hiệp định thương mại tự do với 50 quốc gia; trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, 30 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đối ứng. Mexico là một phần của thị trường Bắc Mỹ và là cửa ngõ tiếp cận hơn 500 triệu người tiêu dùng. Các ước tính cho năm 2023 chỉ ra rằng quy mô của thị trường khu vực sẽ đạt 28.550 tỷ USD, chiếm 25% GDP toàn cầu trong tương lai. Ngoài ra Mexico cũng là cửa ngõ vào thị trường Mỹ Latinh.
Ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường rất năng động và được Mexico đánh giá cao tại khu vực châu Á. Các mặt hàng mà hai nước thường xuyên trao đổi thương mại là vi mạch điện tử, điện thoại, linh kiện và phụ tùng máy móc, ô tô, da, bông… Tuy nhiên, giá trị trao đổi hiện có chưa tương xứng với quy mô thị trường và tiềm năng mà mỗi bên đang có. Chính vì thế, có thể khẳng định dư địa hợp tác thương mại Việt Nam-Mexico vẫn còn rất lớn, cần được khai thác hiệu quả và cân bằng hơn.
Chia sẻ về kinh nghiệm trao đổi thương mại hiệu quả với thị trường Mexico, bà Võ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh (HLA), cho biết Mexico kết nối giữa Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương, có bờ biển dài nên rất thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.
Với lợi thế đều là thành viên CPTPP, Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Nhờ đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, càphê, cao su, điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô tô vào Mexico thời gian gần đây đạt mức tăng trưởng khá cao từ 27-65%. Ngược lại, Mexico cũng từng bước đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, nông sản, đồ uống vào Việt Nam.
Theo bà Võ Thị Phương Lan, để đạt được hiệu quả kinh tế trong giao thương hàng hoá, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí logistics bằng cách sử dụng chuỗi dịch vụ logistics tích hợp: khai báo hải quan, vận chuyển nội địa, vận chuyển quốc tế, kho bãi... Đồng thời, tối ưu vận tải, sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí vận chuyển nội địa; sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian nâng cao năng lực sản xuất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có biện pháp kiểm soát rủi ro trước, trong và sau thông quan (truy thu thuế và phạt vi phạm) bằng cách áp mã hàng hóa (HS code) một cách chính xác./.