Việt Nam và Mexico xúc tiến hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư

Mexico coi Việt Nam là một thị trường có tầm quan trọng chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời sẵn sàng trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.
Việt Nam và Mexico xúc tiến hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư ảnh 1Toàn cảnh cuộc họp giữa Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Luz Maria de la Mora. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngày 4/7, đoàn doanh nghiệp Việt Nam gồm 23 doanh nhân, do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu, đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mexico tại thủ đô Mexico City, nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư với các đối tác sở tại.

Phát biểu tại sự kiện, với sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp của cả hai nước, Thứ trưởng Kinh tế Mexico Luz Maria de la Mora đánh giá cao quan hệ kinh tế, thương mại trong những năm vừa qua. Mexico coi Việt Nam là một thị trường có tầm quan trọng chiến lược với Mexico tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mexico sẵn sàng trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.

Thứ trưởng Luz Maria bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng của hai nước tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới và doanh nghiệp hai bên tận dụng hiệu quả các lợi thế của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), qua đó thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Bà Luz Maria khẳng định, Bộ Kinh tế Mexico sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp song phương.

Việt Nam và Mexico xúc tiến hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Doanh Nghiệp. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về phần mình, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Mexico năm 2022 được tổ chức với mục đích cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hai bên về tình hình mỗi nước trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, rà soát và cập nhật tình hình chính sách, đưa ra những phân tích, nhận định, giải pháp để giúp định hướng cho doanh nghiệp Viêt Nam cũng như doanh nghiệp Mexico có chiến lược tiếp cận thị trường của nhau bài bản và thuận lợi hơn, tận dụng tối đa những ưu đãi hiện có và khai thác những tiềm năng vốn có trong thời gian tới.

Đồng thời, Diễn đàn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, tìm kiếm cơ hội giao thương, nắm bắt xu thế, giải pháp kinh doanh mới, qua đó góp phần tích cực vào hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư nói chung giữa Việt Nam và Mexico và quá trình tăng tốc phục hồi kinh tế mỗi nước nói riêng sau đại dịch.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và những tiềm năng hợp tác to lớn, Việt Nam và Mexico đang ngày càng xích lại gần nhau để mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Quan hệ Việt Nam-Mexico đang đứng trước những vận hội to lớn cần nắm bắt và những thách thức cần vượt qua để có thể phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.

Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực Đông Nam Á.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng tích cực, đạt 5,06 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm 2020.

5 tháng đầu năm 2022, thương mại giữa Việt Nam và Mexico tiếp tục đạt con số tăng trưởng ấn tượng, với trị giá 2,33 tỷ đô-la Mỹ và tốc độ tăng trưởng đạt 21,9%.

Việt Nam và Mexico đang duy trì hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư, minh chứng cho thấy sự cam kết và quyết tâm của cả hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

[Việt Nam-Mexico có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp nền tảng]

Trong thời gian tới, hai Bên tiếp tục ưu tiên triển khai các biện pháp duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại thông qua việc tận dụng những ưu đãi của Hiệp định CPTPP và đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của mỗi nước và tạo thuận lợi cho tiến trình mở cửa thị trường.

Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với Mexico, trong đó tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Việt Nam và Mexico xúc tiến hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư ảnh 3Các doanh nghiệp Mexico và Việt Nam trao đổi thông tin ngành hàng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại phiên B2B của Diễn đàn, các doanh nghiệp 2 nước đã có các cuộc tiếp xúc trực tiếp để thiết lập các kênh thông tin, tìm hiểu về ngành hàng và các lĩnh vực có chung sự quan tâm.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Chủ tịch Tập đoàn càphê N.A, đánh giá: “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức là một hoạt động rất bổ ích, giúp doanh nghiệp Việt Nam và Mexico kết nối và xúc tiến hợp tác, hướng tới trao đổi thương mại và nâng cao kim ngạch song phương. Những mặt hàng thế mạnh của nước bạn như nông sản, thịt bò, thì phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các mặt hàng này thâm nhập thị trường. Ngược lại, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mexico cao su, trang thiết bị máy móc. Đó là tiềm năng hợp tác thương mại lớn giữa 2 nước."

Trước đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có cuộc họp với bà Luz Maria để rà soát nội dung và các kết quả đạt được sau Phiên họp thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư.

Hai bên cùng thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương trong thời gian tới.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại địa bàn về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian tới, Thứ trưởng Luz Maria cho biết: “Quan hệ Mexico-Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Đầu tiên phải kể đến là hai nước cùng là thành viên của CPTPP và do đó trở thành đối tác thương mại của nhau. Thứ hai, xét khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương, cũng như trong bối cảnh tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực hiện nay, Mexico trở thành đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam, vì đất nước chúng tôi có tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam quan tâm, như thịt bò, thịt lợn, nông sản và đồ uống. Ngược lại, các mặt hàng của Việt Nam cũng hoàn thiện chuỗi cung ứng của Mexico. Mexico có 14 FTA với 50 quốc gia trên thế giới cũng như kim ngạch thương mại hàng nghìn tỷ USD, điều này mang đến cho lĩnh vực những cơ hội to lớn và chúng tôi hi vọng các doanh nghiệp sẽ tận dụng được những cơ hội này.”

Trong khi đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá: “Có thể nói rằng trong những năm qua, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Mexico phát triển rất tích cực. Năm 2021, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,06 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch song phương đạt 2,33 tỷ USD, tăng gần 22%.

Trong thời gian tới, trên tinh thần cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp 2 nước tiếp cận thị trường của nhau, nhất là có thể cấp phép cho nông sản Mexico vào Việt Nam, và sản phẩm dệt may, viễn thông và điện tử của Việt Nam sang Mexico.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại song phương, nhất là tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp 2 nước.

Ngoài ra cũng cần tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng và đặc biệt là thị hiếu cũng như các quy định của hai nước đối với các mặt hàng thế mạnh của nhau để có thể tăng cường xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường của nhau.

Một điểm hết sức quan trọng nữa là cần phối hợp tăng cường các hoạt động không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn cả về du lịch, đầu tư và các lĩnh vực khác."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.