Việt Nam muốn thành quốc gia tiên phong giảm thiểu ô nhiễm đại dương

Đại diện Đức, Ecuador, Ghana, Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết đạt được một thỏa thuận toàn cầu nhằm hướng tới hành động phối hợp để chống lại mối đe dọa đối với biển và đại dương từ rác thải biển.
Làm vệ sinh bãi biển Lộc Hà, Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Làm vệ sinh bãi biển Lộc Hà, Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Tại cuộc gặp trực tuyến ngày 31/3, Bộ trưởng Môi trường của 4 nước gồm Đức, Ecuador, Ghana và Việt Nam đã kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng chống rác thải biển vào tháng 9 tới nhằm thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu chống rác thải biển và ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn thông tin từ Bộ Môi trường, Bảo vệ tự nhiên và An toàn hạt nhân liên bang Đức (BMU) cho biết, hiện trên 120 quốc gia đã có những quy định để hạn chế và cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, trong khi 34/54 quốc gia châu Phi đã cấm đồ nhựa dùng một lần.

Tại Liên minh châu Âu (EU) đã có một lệnh cấm tương tự cũng như cấm xuất khẩu rác thải nhựa chưa được phân loại. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng lượng rác đổ vào các đại dương có thể tăng gấp ba lần vào năm 2040.

Phát biểu tại cuộc gặp trên, Quốc vụ khanh BMU Jochen Flasbarth khẳng định không có công cụ tuyệt đối nào có thể làm biến mất rác thải nhựa ở biển, song có thể phát triển những giải pháp dựa trên một bộ công cụ toàn cầu.

Theo ông, để có được thành công lâu dài, cần phải lưu ý nhiều hơn tới việc sản xuất và phát triển chất dẻo và cần các giải pháp theo toàn bộ chuỗi ô nhiễm.

Với những kiến thức khoa học đã có, những hiểu biết về con đường xâm nhập và công nghệ cần thiết, các nước có thể đẩy mạnh nỗ lực đổi mới, đồng thời bảo vệ hành tinh.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Môi trưởng Ecuador Marcelo Mata Guerrero, một trở ngại lớn đối với các nhà khoa học và giới hoạch định chính sách hiện nay là thiếu kiến thức về tác động sinh học của vi nhựa đối với sinh vật biển và con người.

[Giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa: Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ]

Việc ngăn chặn rác thải nhựa ở biển không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe đại dương mà còn bảo vệ chính con người.

Theo Bộ trưởng Môi trường Ghana Kwaku Afriyie, các nước cần sự đổi mới, hợp tác và tài trợ trong các lĩnh vực quản lý rác thải và giám sát rác thải biển, đặc biệt ở các nước đang phát triển còn khó khăn về cơ sở hạ tầng.

Từ Việt Nam, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh các quốc gia phải cùng nhau phát triển một chiến lược toàn cầu với các mục tiêu trung hạn rõ ràng, với nhiệm vụ và trách nhiệm của các bên liên quan cũng như các chỉ số về tiến độ để có thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở biển một cách xuyên biên giới.

Việt Nam muốn thành quốc gia tiên phong giảm thiểu ô nhiễm đại dương ảnh 1Rác thải khó phân hủy ken dày trên bãi biển Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. ((Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Theo ông, Đông Nam Á có vị trí đặc biệt và đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Ông cũng nhấn mạnh, một thỏa thuận toàn cầu mới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp tầm quốc gia và khu vực chống lại cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), bà Inger Andersen, đã nêu bật tính cấp bách của việc đưa ra các biện pháp chuyển đổi để giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó UNEP sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên trong các cuộc đàm phán hướng tới những giải pháp toàn cầu hiệu quả hơn trong lĩnh vực nhựa sử dụng một lần, đồng thời kêu gọi các nước thành viên và các tổ chức liên quan thực hiện loại bỏ đồ nhựa dùng một lần.

Đại diện 4 quốc gia nêu trên nhấn mạnh tính cấp thiết đạt được một thỏa thuận toàn cầu nhằm hướng tới các hành động phối hợp để chống lại mối đe dọa đối với biển và đại dương từ rác thải biển.

Mục đích là cung cấp các nguồn tài chính cho các biện pháp chống rác thải biển và tạo ra một khuôn khổ hành động chung ở cấp địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế.

Theo BMU, rác thải biển không chỉ tàn phá các hệ sinh thái biển, mà còn tàn phá hành tinh, động vật hoang dã và sức khỏe con người.

Trong 65 năm qua, 9 tỷ tấn nhựa đã được tạo ra, trong đó chỉ 9% được tái chế và 12% được thiêu hủy, điều cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, 12 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các vùng biển hằng năm cũng gây tổn thương và chết chóc cho các loài sinh vật biển do bị vướng vào rác hoặc ăn phải rác.

Ngoài ra, rác thải nhựa còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng an toàn thực phẩm, sức khỏe con người và du lịch ven biển, cũng như góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Đức cam kết đảm bảo rằng rác thải biển được ưu tiên cao trong các diễn đàn toàn cầu và lần đầu tiên vạch ra các kế hoạch hành động chống rác thải biển.

Tháng 11/2020, Ecuador đã thông qua đạo luật quy định việc tái sử dụng và tái chế chất dẻo và cấm chất dẻo sử dụng một lần trong thương mại, trong khi Ghana cũng là một trong những quốc gia cam kết chặt chẽ chống rác thải nhựa và rác thải biển.

Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển nhằm thúc đẩy kinh tế biển đồng thời bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái biển.

Theo Bộ Môi trường Đức, Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia tiên phong trong việc giảm thiểu ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục