Việt Nam-Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hợp tác phát triển nông nghiệp và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm bền vững trong thời gian tới.
Đây là thông điệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra tại Hội thảo xúc tiến đầu tư phát triển chuỗi giá trị thực phẩm do Văn phòng Đại diện JICA tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16/1.
Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Văn phòng đại diện JICA tại Việt Nam thông tin, Việt Nam-Nhật Bản có truyền thống hợp tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, thu mua nguyên liệu và chế biến nông sản phục vụ nhu cầu xuất khẩu về Nhật Bản.
Ngoài điều kiện tự nhiên, đất, nước thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng tốt. Nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm ngay tại Việt Nam cũng tăng cao.
[Việt Nam cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản]
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm sạch và an toàn thì ngành nông nghiệp và chế biến nông sản, thực phẩm cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Việt Nam là nước có tốc độ hội nhập kinh tế nhanh, sâu rộng và đang là đối tác thương mại tự do với quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm của thế giới. Chính vì vậy, tiềm năng xuất khẩu nông sản và sản phẩm chế biến của Việt Nam ra thế giới còn rất lớn.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết và đồng bộ, công nghệ chế biến còn hạn chế, chưa xây dựng được thương hiệu xứng tầm.
Chính vì vậy, trong chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm của khu vực, Nhật Bản đang đẩy mạnh các dự án hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp, nông dân Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam thông qua đẩy mạnh đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng sản xuất và hệ thống phân phối sản phẩm nông sản.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam với nhiều dự án phát triển chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao như rau, hoa tại Lâm Đồng, chăn nuôi tại Đồng Nai...
Giai đoạn 2015-2019, Nhật Bản triển khai dự án hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu thụ và nâng cao cao giá trị gia tăng cho nông sản, thực phẩm tại các địa phương Nghệ An, Lâm Đồng, Bến Tre, Cần Thơ và một số vùng phụ cần Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần giúp các địa phương xác định được lợi thế cũng như những vấn đề trong việc nâng cao giá trị và phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn mới là phát triển song song ba trục: sản phẩm chủ lực quốc gia, có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD như gạo, rau và hoa, cà phê, tiêu, hat điều, cao su, thủy sản, đồ gỗ; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, khai thác được điều kiện tự nhiên của địa phương và chuỗi sản phẩm đặc sản địa phương, có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng.
Do đó, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng nông sản bằng nguồn nguyên liệu đầu vào (giống, phân bón, kỹ thuật), cải thiện chế biến, giá trị gia tăng và liên kết mạng lưới thị trường tiêu thụ theo chuỗi.
Nhiều địa phương cũng tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre chia sẻ, hiện nay, Bến Tre đang có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khi được kết nối hiệu quả với cấc vùng kinh tế năng động là Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về nông nghiệp, Bến Tre có tiềm năng lớn trong việc phát triển chuỗi giá trị dừa và nhiều loại trái cây đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi, xoài...
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa, vận dụng linh hoạt chính sách và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư triển khai dự án và sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt thời gian đầu tư, kinh doanh tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu Lập, các doanh nghiệp Nhật Bản đã có một số dự án triển khai tại Bến Tre nhưng chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ cộng đồng và an sinh xã hội.
Thời gian tới, Bến Tre mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, chế biến nhằm phát huy được tiềm năng và nâng cao giá trị kinh tế cho địa phương, cũng như góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước và sự phát triển bền vững của hai quốc gia./.