Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền chính trị cho người dân tộc thiểu số

Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử cho người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ thích đáng, phù hợp đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội.

Lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Sáng 23/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 11/2023.

Bảo vệ giá trị phổ quát về Quyền con Người

Thông tin về việc bảo vệ Báo cáo Quốc gia lần thứ 5 của Việt Nam thực thi Công ước Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt Chủng tộc (CERD), bà Trần Chi Mai, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Dân tộc cho biết ra đời từ năm 1965, Công ước CERD là công ước lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

Nội dung chính của Công ước là các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức, đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đặc biệt trong việc thụ hưởng các quyền cơ bản của con người, gồm các quyền dân sự-chính trị và các quyền kinh tế-xã hội-văn hóa.

Việt Nam đã tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và đã 4 lần bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000, 2012. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tuyên truyền về những thành tựu bảo vệ nhân quyền của ta nói chung, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người dân tộc thiểu số, người nước ngoài ở Việt Nam, góp phần bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Phiên bảo vệ Báo cáo Quốc gia lần thứ năm thực thi Công ước CERD của Việt Nam (Báo cáo CERD 5) sẽ diễn ra trong 2 ngày 29-30/11 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Báo cáo CERD 5 là một báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc các biện pháp khác và kết quả triển khai các biện pháp đó, giai đoạn 2013-2019 nhằm bảo vệ Quyền con Người, chống các hành vi kỳ thị, phân biệt về chủng tộc tập trung vào người dân tộc thiểu số, người nước ngoài ở Việt Nam; tuyên truyền các thành tựu bảo vệ nhân quyền cho người dân tộc thiểu số, người nước ngoài ở Việt Nam, nhận diện các khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện Công ước trong giai đoạn báo cáo và định hướng triển khai trong tương lai.

Nội dung chủ yếu của báo cáo khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam về các dân tộc thiểu số như đã được ghi rõ trong Điều 5, Hiến pháp năm 2013, hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc tại Điều 1 Công ước CERD; chia sẻ những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác dân tộc, giai đoạn từ 2013 đến 2023.

ttxvn_dan toc thieu so 1.jpg
Khám sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã Buôn Hồ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Giai đoạn 2013-2019, Việt Nam đạt được rất nhiều thành tích nổi bật trong công tác đại đoàn kết toàn dân, hỗ trợ các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, ngôn ngữ, chữ viết... giúp Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam.

Báo cáo cũng khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước qua những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ giá trị phổ quát về Quyền con Người nói chung, những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử nói riêng...

Dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời quốc gia dân tộc

Chia sẻ về quyền tham gia chính trị, bảo đảm tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội của Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu rõ Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước).

Đường lối chính trị của Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định các dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời quốc gia dân tộc và luôn coi trọng việc bảo đảm quyền chính trị, kinh tế, văn hóa; không phân biệt đối xử; trong đó, có quyền tham gia vào hệ thống chính trị Nhà nước, đặc biệt là đối với cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội.

Các bản Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đều ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, chủng tộc, tôn giáo, không phân biệt đối xử, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử. Qua đó, sự tham gia của đại biểu dân tộc thiểu số vào Quốc hội Việt Nam tăng qua từng khóa.

Chỉ tính riêng các khóa Quốc hội gần đây cho thấy: nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) tỷ lệ dân tộc thiểu số đạt 15,6%; nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021) đạt 17,3%; nhiệm kỳ khóa XV (2021-2026) đạt 17,8 %, với 89/499 đại biểu của 32 dân tộc trúng cử, cao nhất trong các khóa Quốc hội, tức là gần với chỉ tiêu quy định mới về ứng cử viên dân tộc thiểu số theo luật định (18%).

Về cơ cấu thành phần các dân tộc, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có đại diện của từ 28-32 dân tộc. Đáng chú ý, khóa XIV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Mảng (dân số dưới 5.000 người); khóa XV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Brâu (dân số dưới 1.000 người), dân tộc Lự (dân số 6.000 người) tham gia Quốc hội.

Đến nay, đã có tổng số 52/54 dân tộc (bao gồm cả dân tộc Kinh) và 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Hiện, chỉ còn 2 dân tộc Ơ đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam phấn đấu để các dân tộc có đại biểu Quốc hội.

Có thể nói suốt những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử cho người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ thích đáng, phù hợp đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội, cũng như Hội đồng Nhân dân các cấp.

ttxvn_cu tri di bau cu.jpg
Cử tri người Mông tại bản Nậm Giắt, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La làm thủ tục bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Kết quả bầu cử Quốc hội các khóa, nhất là những năm gần đây là minh chứng rõ nét cho đường lối chính trị của Việt Nam thực hiện nguyên tác bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, không phân biệt đối xử và luôn tạo cơ hội cho các dân tộc hòa nhập vào sự phát triển chung của quốc gia dân tộc, góp phần thực hiện tốt các công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Nhằm tăng cường sự tham chính của đồng bào dân tộc thiểu số vào cơ quan Quốc hội, bảo đảm tính đại diện, cơ cấu tỷ lệ phù hợp gắn với nâng cao chất lượng ứng cử viên trong các cuộc bầu cử, cũng như đại biểu Quốc hội khi trúng cử, nhiều biện pháp được triển khai, như: tiến hành phát hiện, tập hợp giới thiệu nguồn ứng cử; tiến hành tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên, trong đó có các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt đối với cử tri, cử tri vùng dân tộc; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động Quốc hội cho các đại biểu trúng cử, nhất là đối với đại biểu là người dân tộc thiểu số, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò tham gia của các đại diện dân tộc thiểu số trong cơ quan Quốc hội của Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục