Việt Nam quảng bá nông sản và thực phẩm chế biến tại Ấn Độ

Thị trường thực phẩm của Ấn Độ đang mở rộng nhanh chóng và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, cùng các chính sách kinh tế và khuyến khích tài chính.
Việt Nam quảng bá nông sản và thực phẩm chế biến tại Ấn Độ ảnh 1Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 3/11, Hội chợ Thế giới Thực phẩm Ấn Độ (WFI) 2023 đã được khai mạc tại Trung tâm triển lãm Pragati Maidan ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Đây là hội chợ WFI lần thứ 2 do Bộ Công nghiệp chế biến thực phẩm Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức. 

Tham gia sự kiện có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Bộ trưởng Bộ Chăn nuôi, Sữa và Thủy sản Ấn Độ Parshottam Rupala cùng hơn 200 diễn giả, 1.200 đơn vị tham gia triển lãm, trong đó có 145 công ty toàn cầu, đoàn cấp bộ trưởng từ 19 quốc gia, hơn 600 khách tham quan từ hơn 75 quốc gia. Dự kiến, hơn 50 cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi sẽ diễn ra trong khuôn khổ hội chợ kéo dài từ ngày 3-5/11 này. 

Phát biểu khai mạc hội chợ, Thủ tướng Modi nêu rõ Ấn Độ là nhà sản xuất nông sản lớn thứ hai thế giới và là nền kinh tế lớn thứ ba về sức mua tương đương (PPP).

Thị trường thực phẩm của Ấn Độ đang mở rộng nhanh chóng và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, cùng các chính sách kinh tế và khuyến khích tài chính. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi còn nhấn mạnh một số biện pháp, như chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) và thành lập các công viên thực phẩm lớn mà chính phủ của ông đã thực hiện để phát triển hơn nữa lĩnh vực chế biến thực phẩm trong nước.

Việt Nam được lựa chọn là 1 trong 3 quốc gia trọng điểm “Focus Country” với gian hàng trưng bày rộng hơn 200m2 của hơn 30 doanh nghiệp lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến. Lễ khai trương khu gian hàng của Việt Nam đã diễn ra trong sáng 3/11.

[Nông sản Việt Nam tìm "điểm chạm" với thị trường Nhật Bản]

Phát biểu tại lễ khai trương gian hàng Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải cho rằng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã và đang phát triển rất tích cực trong những năm qua, hàng hóa hai nước bổ sung khá tốt cho nhau. Thị trường thực phẩm Ấn Độ rất lớn và còn nhiều dư địa để khám phá, kinh doanh đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ nhấn mạnh việc tham dự hội chợ thực phẩm hàng đầu Ấn Độ này là cơ hội rất thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam thấy được xu hướng tiêu dùng thực phẩm của thế giới cũng như của Ấn Độ; gặp gỡ được các nhà xuất nhập khẩu có nhu cầu thực tế ở Ấn Độ, đồng thời cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam không chỉ với bạn bè Ấn Độ mà còn với bạn bè quốc tế, từ đó thúc đẩy phát triển giao thương, hợp tác kinh doanh, vì lợi ích của các bên.

Đại sứ đánh giá cao Thương vụ, các cơ quan chức năng Việt Nam, Ấn Độ, hiệp hội doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi để có được sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ.

Trong sáng cùng ngày, ông Parshottam Rupala - Bộ trưởng Bộ Chăn nuôi, Sữa và Thủy sản Ấn Độ - đã đến thăm gian hàng Việt Nam và trao đổi với các doanh nghiệp. Ông bày tỏ rất ấn tượng với các sản phẩm đến từ Việt Nam.

Dự kiến, trong sáng 5/11 sẽ diễn ra phiên hội thảo riêng biệt để giới thiệu về tiềm năng ngành nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ và các nước trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.