Việt Nam tham dự Đối thoại “Hành động phía Đông” tại Ấn Độ

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh Việt Nam cam kết đầy đủ và sẵn sàng làm việc với ASEAN và Ấn Độ để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Việt Nam tham dự Đối thoại “Hành động phía Đông” tại Ấn Độ ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 5/4, Đối thoại “Hành động phía Đông” lần đầu tiên đã khai mạc tại trụ sở của Trung tâm nghiên cứu “Brookings India” ở thủ đô New Delhi, với sự tham dự của các quan chức cấp cao, học giả Ấn Độ và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và phát biểu tại đối thoại.

Cuộc đối thoại do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Trung tâm nghiên cứu Brookings India đồng tổ chức với mục đích thảo luận các biện pháp hợp tác trong triển khai chính sách “Hành động phía Đông” với vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường quan hệ và kết nối Ấn Độ với các quốc gia khu vực Đông Nam Á và xa hơn.

Phát biểu khai mạc đối thoại, Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran nhấn mạnh chính sách nhất quán của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với ASEAN về thương mại và chiến lược.

Bà Saran cho biết chính sách “Hướng Đông” đã được nâng cấp lên thành chính sách “Hành động phía Đông” từ năm 2014 và Ấn Độ coi trọng sự hợp tác với ASEAN trong việc tăng cường kết nối, quan hệ thương mại, thúc đẩy đối thoại chính trị và hợp tác trong các vấn đề an ninh.

Chính phủ Ấn Độ thúc đẩy lộ trình vững chắc hướng tới việc triển khai chính sách “Hành động phía Đông” tới năm 2025 và xa hơn.

Bà Saran bày tỏ hy vọng đối thoại lần này sẽ là diễn đàn để các quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ thảo luận biện pháp và xây dựng lộ trình thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược song phương.

Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với các quốc gia thành viên ASEAN, nhất là trong bối cảnh khu vực đang có những thay đổi nhanh chóng bao gồm việc thành lập Cộng đồng ASEAN và Ấn Độ đang nổi lên như một quyền lực chính ở khu vực.

Đáng chú ý hơn ASEAN được xác định là hạt nhân trong chính sách “Hành động phía Đông” và trung tâm của "Giấc mơ Ấn Độ" trong thế kỷ châu Á.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ -ASEAN cũng như thúc đẩy triển khai chính sách “Hành động phía Đông,” hai bên cần khai thác tiềm năng và thúc đẩy hợp tác trên một số điểm sau:

Một là, tăng cường kết nối vật lý, kỹ thuật số, văn hóa và giao lưu nhân dân. Đây là thành tố quan trọng trong sự hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN.

Sự phát triển của Hành lang kinh tế Ấn Độ-Mekong, tuyến đường cao tốc nối Ấn Độ-Myanmar-Lào-Việt Nam và Campuchia và việc mở rộng dự án đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan sẽ mở rộng kết nối cơ sở hạ tầng vận tải và góp phần tăng cường thương mại và đầu tư song phương.

Vì vậy, hai bên cần thúc đẩy triển khai các dự án, khuyến khích sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp cũng như tìm kiếm các đối tác sáng kiến như đối tác công-tư (PPP).

Hai là, tăng cường kết nối văn hóa, góp phần thúc đẩy sự gắn kết và hiểu biết lẫn nhau, nhất là trong giới trẻ.

Trong khía cạnh này, hai bên cần tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi các nhà kinh doanh, chuyên gia nghiên cứu, nhà báo để khai thác tiềm năng của nguồn nhân lực với 1,8 tỷ người.

Ba là, hợp tác xây dựng năng lực. Thông qua Quỹ phát triển công nghệ và khoa học, Diễn đàn đổi mới, Ấn Độ có thể tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN trong phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp và đào tạo tiếng Anh, qua đó góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại Ấn Độ-ASEAN, Việt Nam cam kết đầy đủ và sẵn sàng làm việc với ASEAN và Ấn Độ để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đưa quan hệ Ấn Độ-ASEAN lên tầm cao mới, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Tại đối thoại, quan chức và các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận với 3 phiên chính gồm tăng cường kết nối và quan hệ thương mại Ấn Độ-ASEAN; Chủ nghĩa đa phương châu Á và cấu trúc an ninh và quốc phòng mới; Lộ trình 2025: sự chuyển đổi quan hệ Ấn Độ-ASEAN.

Đây là lần đầu tiên Đối thoại "Hành động phía Đông" được tổ chức bên lề cuộc họp các quan chức cấp cao Ấn Độ-ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục