Việt Nam tham gia cuộc họp định kỳ Hội đồng Thống đốc IAEA

Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia phát biểu, thảo luận tại nhiều đề mục của kỳ họp, cùng các thành viên Hội đồng Thống đốc thảo luận về kế hoạch hoạt động của IAEA trong năm 2023.
Việt Nam tham gia cuộc họp định kỳ Hội đồng Thống đốc IAEA ảnh 1Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) làm Trưởng đoàn, tham gia cuộc họp định kỳ lần thứ hai Hội đồng Thống đốc IAEA tại Viên (Áo) từ ngày 6-10/6. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, từ ngày 14-18/11, tại thủ đô Vienna (Cộng hòa Áo), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tổ chức cuộc họp định kỳ cuối cùng trong năm 2022 với sự tham dự của đại diện 35 quốc gia thành viên Hội đồng Thống đốc, các nước thành viên IAEA và tổ chức quốc tế là quan sát viên.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA làm trưởng đoàn. Cùng tham dự có đại diện Binh chủng Hoá học, Bộ Quốc phòng và các đơn vị chuyên môn của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tại cuộc họp lần này, Đại sứ Ivo Sramek, trưởng phái đoàn Cộng hòa Séc, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc, đã chủ trì với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề lớn như đánh giá hoạt động và xem xét báo cáo của Uỷ ban Hỗ trợ và Hợp tác kỹ thuật (TACC) về kết quả hoạt động hợp tác kỹ thuật trong năm 2022, rà soát và tham vấn đối với đề xuất tăng ngân sách hoạt động năm 2023 của IAEA cũng như việc thực hiện Hiệp định về thanh sát giữa IAEA với một số nước như Syria, Triều Tiên và Iran.

[Việt Nam tham gia cuộc họp định kỳ lần thứ 2 Hội đồng Thống đốc IAEA]

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là lo ngại về rò rỉ hạt nhân tại Ukraine, cuộc họp lần này cũng đã dành thời gian thảo luận về vấn đề an ninh, an toàn hạt nhân và thanh sát tại Ukraine.

Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi chia sẻ hoạt động năm 2022 của IAEA chịu tác động nặng nề từ mức lạm phát tăng cao nhất trong vòng 50 năm qua tại châu Âu, song IAEA đã nỗ lực để có thể hoàn thành các nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực từ an ninh, an toàn, thanh sát hạt nhân cho đến hợp tác kỹ thuật.

Tổng Giám đốc Grossi cho biết sáng kiến “Nguyên tử cho phát thải dòng bằng 0” (Atom4NetZero) do IAEA vừa công bố tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập là minh chứng rõ ràng cho thấy vai trò và sứ mệnh quan trọng của IAEA trong việc tìm giải pháp cho các quốc gia vừa bảo đảm năng lượng, vừa ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 1/4 nguồn năng lượng carbon thấp của thế giới song các nước vẫn chưa thực sự hiểu rõ tiềm năng của nó, do đó ông Grossi khuyến khích các nước nghiên cứu, tham gia sáng kiến Atom4Netzero của IAEA.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ quan ngại đối với nguy cơ mất an ninh, an toàn hạt nhân trên thế giới, nhất là liên quan đến nhà máy Zaporizhzhia tại Ukraine, cũng như các vấn đề hạt nhân liên quan đến Iran, Syria và Triều Tiên.

Trong thời gian diễn ra cuộc họp, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia phát biểu, thảo luận tại nhiều đề mục của kỳ họp, cùng các thành viên Hội đồng Thống đốc thảo luận về kế hoạch hoạt động của IAEA trong năm 2023, trong đó có việc tìm các giải pháp cho vấn đề ngân sách.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán ủng hộ cả 3 trụ cột chính của IAEA là bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, thanh sát và ứng dụng năng lượng nguyên tử hạt nhân vào mục đích hoà bình; khẳng định ủng hộ vai trò then chốt của IAEA; chia sẻ quan tâm trước những diễn biến phức tạp về an ninh hiện nay; đề cao nguyên tắc đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Mỗi năm Hội đồng Thống đốc IAEA có 4 kỳ họp vào các tháng 3, 6, 9 và tháng 11. Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA từ tháng 9/2021 trong nhiệm kỳ 2 năm 2021-2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục