Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, ngày 25/11, tại trụ sở ở thủ đô Vienna, đồng thời với cuộc họp Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã diễn ra Lễ tiếp nhận đóng góp tài chính cho giai đoạn 2 Dự án cải tạo, mở rộng Tổ hợp nghiên cứu và ứng dụng hạt nhân (ReNuAL 2) của IAEA ở Seibersdorf, Cộng hòa Áo.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đánh giá cao sự đóng góp của các nước thành viên vào Dự án ReNuAL 2.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia, việc các nước thành viên IAEA vẫn dành sự quan tâm và đóng góp cho dự án cho thấy vai trò quan trọng của công nghệ hạt nhân trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu, phục vụ đời sống và phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Grossi đã trao cho Đại sứ, Đại diện thường trực các quốc gia thành viên là Bồ Đào Nha, Kazakhstan, Kenya, Malta, Montenegro, Ireland và Việt Nam viên gạch tượng trưng cho sự đóng góp của mỗi nước vào Dự án ReNuAL 2.
Sau Lễ tiếp nhận tượng trưng đóng góp của Việt Nam, trong trả lời phỏng vấn của TTXVN, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trung Kiên cho biết Tổ hợp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân tại Seibersdorf là một trong các trung tâm hàng đầu của IAEA về phát triển công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, nông nghiệp bền vững, ngăn ngừa dịch bệnh…
Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo và nâng cao năng lực cho các nước thành viên về ứng dụng công nghệ hạt nhân.
Đặc biệt, trong quá trình ứng phó với dịch COVID-19, Tổ hợp Seibersdorf đã chuyển giao trang thiết bị, sinh phẩm và tổ chức đào tạo cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam để thực hiện xét nghiệm RT-PCR nhằm chẩn đoán và phát hiện chính xác virus SARS-CoV-2.
[Việt Nam được bầu vào Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2021-2023]
Đại sứ nhấn mạnh việc đóng góp cho Dự án ReNuAL 2 thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của IAEA và các cơ sở nghiên cứu của tổ chức này trong ứng dụng công nghệ nguyên tử phục vụ phát triển bền vững.
Phó Tổng Giám đốc IAEA Liu Hua đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Thống đốc IAEA (BoG IAEA), một trong hai cơ chế hoạch định chính sách của IAEA.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam đã tham gia tích cực vào Hiệp định về hợp tác nghiên cứu, phát triển và đào tạo công nghệ và kỹ thuật hạt nhân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Hiệp định RCA).
RCA là thỏa thuận quan trọng, là cơ chế điều phối các hoạt động hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hạt nhân vào ứng phó với biển đổi khí hậu, thúc đẩy chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực… tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Tổng Giám đốc IAEA bày tỏ mong muốn Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch RAC vào năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập RAC, đồng thời khẳng định IAEA sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò này.
Dự án ReNuAL 2 được IAEA công bố tháng 9/2020 với mục tiêu tiếp tục cải tạo, mở rộng Tổ hợp Seibersdorf nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ứng dụng công nghệ hạt nhân vào giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tháng 9/2021, Việt Nam đã cam kết đóng góp tài chính cho dự án. Năm 2019, Việt Nam cũng đã đóng góp tài chính cho giai đoạn 1 của dự án này./.