Việt Nam-Trung Quốc thúc đẩy hợp tác chế biến và thương mại nông sản

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mong muốn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc thúc đẩy để 8 loại hoa quả Việt Nam sớm được xuất chính ngạch vào nước này.
Việt Nam-Trung Quốc thúc đẩy hợp tác chế biến và thương mại nông sản ảnh 1Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Sáng 14/10 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, với tính chất địa lý, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nhóm nông sản, thủy sản có thể bổ trợ cho nhau.

Sức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn với khoảng 50 triệu tấn lương thực, 5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn thủy sản, 12 tỷ quả trứng, 1 triệu tấn sữa, 20 triệu m3 gỗ từ rừng trồng.

Đặc biệt về các sản phẩm cây công nghiệp, Việt Nam có lợi thế như sản lượng càphê đứng thứ hai thế giới, chiếm trên 50% sản lượng tiêu thế giới; 1,2 triệu tấn cao su; 3 triệu tấn hạt điều và lớn nhất thế giới.

Việt Nam chỉ sử dụng hết 50%, còn lại là xuất khẩu. Về vật tư nông nghiệp, Việt Nam đã nhập khẩu nhiều máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các nông sản ôn đới về mùa hè…

"Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhập khẩu nông sản Việt Nam, nhưng so với tiềm năng lợi thế hai nước còn rất lớn và cần tính đến cung ứng nông sản cho chuỗi nông sản toàn cầu," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Không chỉ về thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Trung Quốc còn là quốc gia có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thật, đặc biệt là giống.

[Thêm 3 loại thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc]

Hai bên cần hợp tác hơn nữa về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những tiến bộ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; phát triển chế biến nông sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú đánh giá cao những thành tựu ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được thời gian qua.

Trung Quốc mong muốn cùng Việt Nam hợp tác các vấn đề trong phát triển nông nghiệp như khoa học kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu, xây dựng hạ tầng, chế biến nông sản, đầu tư nông nghiệp…

Đặc biệt trước tình hình dịch tả lợn châu Phi, trong khi Trung Quốc và Việt Nam có đường biên giới dài, Trung Quốc mong muốn tiếp tục có sự hợp tác trong phòng chống dịch bệnh qua biên giới.

Hiện hai nước đã chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh và trong thời gian tới hai bên tiếp tục hợp tác chia sẻ thành quả này.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị hai bên sẽ tổ chức hội thảo cùng chia sẻ kinh nghiệm để cùng ứng phó; đồng thời, triển khai trên cả các đối tượng dịch hại khác như sâu keo mùa thu, rầy nâu…

Về thương mại nông sản, Bộ trưởng Hàn Trường Phú cho biết, Trung Quốc chiếm 1/10 thương mại nông sản thế giới.

Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.

Nông sản Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc qua các kênh như hội chợ, triển lãm… để doanh nghiệp hai bên có thể tìm hiểu, xúc tiến thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá cao việc Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam sang Trung Quốc và mong muốn Bộ trưởng Hàn Trường Phú thúc đẩy để 8 loại hoa quả Việt Nam đã gửi hồ sơ sang sớm được xuất khẩu chính ngạch vào nước này.

Đây là những nông sản mà doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu cao để phát triển chế biến như sầu riêng, khoai lang…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng hai bên cần chuẩn bị kỹ các nội dung cho cuộc làm việc lần tới. Đó là các nội dung như khoa học công nghệ; thúc đẩy doanh nghiệp liên kết trong chế biến và phát triển thị trường nông sản; phát triển nông thôn; biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh qua biên giới.

Hai Bộ trưởng thống nhất giao cho đơn vị chuyên môn chuẩn bị các nội dung trên để đầu năm 2020, hai bên sẽ tổ chức cuộc họp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.