Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Liên bang Nga, ngày 18/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với bà Nikishina Veronika Olegovna, Bộ trưởng phụ trách thương mại của Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC), tại trụ sở của ủy ban này ở thủ đô Moskva.
Trong buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã đánh giá các kết quả tích cực mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) đã mang lại trong hơn 1,5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo số liệu của hải quan Việt Nam, năm 2017, thương mại hai chiều đạt 3,9 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2016, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 1 tỷ USD (xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU đạt 2,4 tỷ USD, tăng 36%; nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25%). Chỉ tính riêng trong bốn tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên EAEU đã đạt 1,53 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EAEU là điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, rau quả, càphê, hạt điều, thủy sản. Trong khi các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam là xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị.
Cơ cấu sản phẩm giao dịch giữa Việt Nam và EAEU là tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp, nên những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA được giảm bớt nhiều.
[Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt-Nga: Một tầm nhìn mới]
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, hai Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng mức độ tận dụng ưu đãi từ VN-EAEU FTA còn thấp, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV (C/O/EAV). Hai bên cần phải nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để doanh nghiệp có thể tận dụng các điều kiện thuận lợi do VN-EAEU FTA mang lại, thúc đẩy thương mại song phương còn nhiều tiềm năng, cụ thể là hướng tới đạt kim ngạch thương mại 2 chiều ở mức 10 tỷ USD vào năm 2020.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nêu quan ngại về việc EEC áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với hai mặt hàng dệt may của Việt Nam là đồ lót và quần áo trẻ em trong thời gian tương ứng là 9 và 6 tháng tính từ ngày 14/3.
Trong các buổi tham vấn, phía Việt Nam luôn đề nghị phía EEC xem xét lại việc áp dụng này do hàng hóa Việt Nam chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nhập khẩu các mặt hàng tương tự của EAEU, có chất lượng tốt, đồng thời là những mặt hàng dệt may bổ trợ cho những mặt hàng sản xuất nội địa của các nước EAEU... Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị EEC sớm dỡ bỏ Quyết định áp dụng Biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với hai mặt hàng của Việt Nam và trong tương lai, EEC cần minh bạch các tiêu chí xem xét áp dụng biện pháp này.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để thực thi hiệu quả hiệp định, tạo thuận lợi tối đa, thúc đẩy thương mại nông-lâm-thủy hải sản giữa hai bên. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất thúc đẩy đàm phán xây dựng Hệ thống Chứng nhận và xác minh xuất xứ điện tử theo đúng lộ trình đã cam kết.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong số các thành viên của EAEU thì Liên bang Nga là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, Hiệp định VN-EAEU FTA là chất xúc tác mạnh cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Về tổng thể, hiện Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.
Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Liên bang Nga đạt 3,56 tỷ USD (tăng 29% so với năm 2016), và trong bốn tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,43 tỷ USD (tăng 31,83% so với cùng kỳ năm 2017).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm hiện Liên bang Nga, cũng như EAEU đang tích cực mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với Cộng đồng ASEAN trong chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Việt Nam đang tích cực phát triển các chuỗi cung ứng hàng hoá sản xuất và tiêu dùng trong khu vực này, vì vậy, tăng cường các hoạt động kinh tế, thương mại với Việt Nam theo chiều sâu sẽ cho phép các nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm của Nga và các nước EAEU có cơ hội tham gia vào các dây chuyền cung ứng sản phẩm tại châu Á-Thái Bình Dương đã được hình thành./.