Sau năm ngày họp, ngày 16/10, Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết thúc tại Guam (Hoa Kỳ)và Việt Nam, Fiji là hai quốc gia đã được các nước thành viên bầu làm đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Tây Thái Bình Dương vào Hội đồng Chấp hành Đại hội đồng Y tế Thế giới nhiệm kỳ ba năm, từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2019.
Hội đồng chấp hành là nơi đề xuất và chuẩn bị các chương trình nghị sự cho Đại hội đồng Y tế Thế giới, do đó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các chính sách y tế chủ chốt trên cấp độ toàn cầu.
Đại diện cho khối các nước ASEAN trong khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, Việt Nam sẽ góp thêm tiếng nói từ các quốc gia đang phát triển với các hệ thống y tế đang trong quá trình chuyển đổi. Những khách thức và khó khăn trong phát triển y tế của Việt Nam và các nước sẽ được quan tâm nhiều hơn trong quá trình thế giới và khu vực xây dựng và thực thi các chính sách y tế.
Kết thúc hội nghị, năm nghị quyết về các vấn đề y tế của khu vực đã được thông qua, gồm phòng chống viêm gan virus, bao phủ y chăm sóc sức khỏe toàn dân, phòng chống lao, phòng ngừa bạo lực và tai nạn thương tích, và sức khỏe người dân ở đô thị.
Trước đó, trong khuôn khổ hội nghị, Việt Nam đã được mời tham gia đồng chủ tọa Phiên thảo luận về cách thức các quốc gia triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc sau năm 2015.
So với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs - mục tiêu đạt đến năm 2015), các mục tiêu phát triển bền vững (đặt ra cho giai đoạn sau năm 2015) rộng hơn, bao quát hơn, song vẫn trên cơ sở tiếp nối và mở rộng và liên hệ mật thiết với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây.
Tại phiên họp, Việt Nam chia sẻ với các quốc gia về những thành tựu đạt được trong việc thực hiện các MDGs và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu SDGs sau năm 2015, đồng thời với việc duy trì thành quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện các mục tiêu MDGs chưa hoàn thành.
Đảng và nhà nước Việt Nam luôn coi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, sức khỏe vừa là đích đến, vừa là nguồn lực con người vô giá để xây dựng được xã hội giàu mạnh và phát triển. Các mục tiêu SDGs này muốn thực hiện tốt cần được lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các kế hoạch năm năm của quốc gia, các kế hoạch năm năm của ngành y tế và các kế hoạch trong các lĩnh vực khác.
Các chỉ số y tế cụ thể đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững cần được lồng ghép và đưa vào các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Điểm quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là sự cam kết chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, sự phối hợp đa ngành chặt chẽ và hiệu quả và sự tham gia tích cực của người dân và của cả cộng đồng xã hội. So với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các mục tiêu phát triển bền vững đề cập đến các yếu tố xã hội và môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, với cách tiếp cận rộng mở và toàn diện mới này, sức khỏe được quan tâm và dành ưu tiên cao trong chương trình nghị sự toàn cầu.
Tại phiên họp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu MDGs, cụ thể Việt Nam được WHO đánh giá là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc giảm tử vong bà mẹ và trẻ em và là quốc gia thành công trong việc ngăn ngừa nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó phải kể đến thành công là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS và đang là quốc gia đi đầu trong các nỗ lực đảm bảo anh ninh y tế toàn cầu.
Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác và chia sẻ với cộng đồng quốc tế những bài học kinh nghiệm thành công của Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới, qua đó có thể đúc kết các bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát triển ngành y tế và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia đi trước./.