Vinacomin sẽ hoàn thành cổ phần hóa vào đầu năm 2015

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, tính đến hết tháng Sáu, Tập đoàn đã cổ phần hóa xong hai đơn vị thành viên và sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa vào đầu năm 2015.
Vinacomin sẽ hoàn thành cổ phần hóa vào đầu năm 2015 ảnh 1Công nhân đang vận hành dây chuyền sản xuất than (Ảnh: TTXVN)

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, đến hết tháng Sáu, doanh nghiệp này đã hoàn thành cổ phần hóa hai đơn vị, gồm: Công ty Vật tư-Xếp dỡ và Công ty Kim loại màu Thái Nguyên.

Trước đó, tập đoàn cũng đã hoàn thành các thủ tục và ra quyết định chuyển đổi mô hình quản lý doanh nghiệp sang mô hình công ty cổ phần 6 đơn vị gồm: Tổng Công ty Khoáng sản-Vinacomin; Tổng Công ty Điện lực-Vinacomin; Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cơ khí đóng tàu; Công ty Phát triển Công nghệ và thiết bị mỏ và Công ty xây lắp Môi trường-Nhân Cơ.

Như vậy, theo đúng kế hoạch, các đơn vị này sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/1/2015.

Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã khai thác được 19,6 triệu tấn than nguyên khai, đạt 52% kế hoạch năm; trong đó, than xuất khẩu đạt 3,9 triệu tấn, tiêu thụ trong nước đạt 15,02 triệu tấn. Ngoài ra, than cho sản xuất điện đạt 9,22 triệu tấn, bằng 60% kế hoạch...

Cũng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Tập đoàn đạt 55.259 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm và bằng 118% so với cùng kỳ năm 2013. Tập đoàn cũng đảm bảo việc làm cho hơn 126.000 lao động, với mức thu nhập bình quân của sáu tháng đạt 7,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch, năm nay, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam sẽ tiêu thụ trên 35 triệu tấn than các loại. Đồng thời đảm bảo thực hiện Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành than-khoáng sản Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Tuy nhiên, trước những nhu cầu về vốn để đầu tư cho ngành than, lãnh đạo Vinacomin cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm điều chỉnh thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác, phí sử dụng tài liệu địa chất đối với sản xuất than.

Dự tính, việc điều chỉnh thuế tài nguyên từ đầu năm có thể khiến Vinacomin phải chi thêm khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm nay, trong khi giá bán than trong nước vẫn duy trì ở mức như trước, còn hoạt động xuất khẩu thì đang gặp khó khăn.

Lãnh đạo Vinacomin cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét, cân đối lại biểu đồ cung cấp than trên cơ sở ưu tiên cấp than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện hiện có và các nhà máy đang xây dựng ở miền Bắc. Bởi lẽ, việc cân đối lại biểu đồ cung ứng sẽ giúp Vinacomin cũng như các đơn vị sử dụng than chủ động kế hoạch vận hành cũng như đầu tư phát triển trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.