"Hoàng Hoa sứ trình đồ" (Hành trình đi sứ Trung Hoa) của dòng họ Nguyễn Huy, tỉnh Hà Tĩnh vừa được ghi danh vào danh sách các Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
Đây không chỉ là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn Huy, tỉnh Hà Tĩnh mà còn đem đến vinh dự cho Việt Nam khi có thêm di sản văn hóa quý báu được bạn bè quốc tế biết đến.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 4 di sản tư liệu được công nhận ở cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương là: "Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm," huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được công nhận năm 2012; "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) và "Mộc bản trường học Phúc Giang" hay còn gọi là Mộc bản Trường Lưu (tỉnh Hà Tĩnh) được công nhận năm 2016.
Điểm đặc biệt là "Hoàng Hoa sứ trình đồ" và "Mộc bản Trường Lưu" đều do con cháu dòng họ Nguyễn Huy, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện, lưu giữ đến ngày nay.
"Hoàng hoa sứ trình đồ" có giá trị đặc sắc
Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, "Hoàng Hoa sứ trình đồ" là cuốn sách cổ, miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Hoa trong thế kỷ 18. Đó là việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa, thể hiện việc giao lưu giữa các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cuốn sách với phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của Sứ bộ Đại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.
Giáo sư, viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, giáo sư-viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, cũng nêu rõ cuốn sách "Hoàng Hoa sứ trình đồ" được Nguyễn Huy Triển sao lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn những năm 1765-1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), hiện dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lưu-Can Lộc) đang lưu giữ.
[Sách cổ về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt là Di sản thế giới]
Cuốn sách hiện đang được dòng họ Nguyễn Huy-Trường Lưu, xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh lưu giữ. Cuốn sách có kích thước 30cm x 20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó.
Nội dung chính là vẽ lại bản đồ đi sứ từ mục Nam Quan đến Bắc Kinh. Ngoài ra còn có một số nội dung như: ghi lại cảnh sông núi, hình thức đón tiếp, độ dài cung đường, danh lam thắng cảnh, khảo sát lại hành trình đi sứ...
"Hoàng Hoa sứ trình đồ" hiện là bản sao chép tay duy nhất do con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu, chứa nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa từ giữa thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 18. Đây cũng là tác phẩm quý hiếm và độc đáo, có giá trị về địa lý, lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hóa, phong tục, nghệ thuật...
Từ ngày 29-31/5, Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO đã họp Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 tại Gwangju, Hàn Quốc với sự tham dự của 125 đại biểu tham từ 28 quốc gia thành viên. Hội nghị đã xem xét 12 hồ sơ của 8 quốc gia gồm: Tuvalu, Myanmar, Trung Quốc, Philipinnes, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam và Đảo Salomon.
Hồ sơ "Hoàng Hoa sứ trình đồ" đã được bảo vệ thành công, được các nước đánh giá cao là một hồ sơ quý, hiếm nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Hồ sơ được thông qua với số phiếu 17/17 phiếu.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc, công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của tỉnh Hà Tĩnh, sự hỗ trợ của của Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với UNESCO các nước trong Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hồ sơ "Hoàng Hoa sứ trình đồ" của Việt Nam đã vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn của UNESCO, đáp ứng được đủ các tiêu chí để được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mộc bản cổ nhất về giáo dục của một dòng họ
"Mộc bản trường học Phúc Giang" còn gọi là Mộc bản Trường Lưu được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương vào năm 2016.
Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, tại trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An, hiện là làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Khối mộc bản được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 12 quyển): "Tính lý toản yếu đại toàn,"
"Ngũ kinh toản yếu đại toàn" và "Thư viện quy lệ."
Mộc bản trường học Phúc Giang được khắc từ năm 1758 tới năm 1788, gắn với 3 thế hệ cha con, ông cháu, anh em gồm 5 danh nhân: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự. Mộc bản được sử dụng liên tục cho việc dạy và học của hàng ngàn thầy giáo và học sinh qua gần 3 thế kỷ (từ thế kỷ 18 đến 20).
Mộc bản trường học Phúc Giang là tập tư liệu gốc, duy nhất do các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy cùng đội ngũ thợ khắc tạo ra từ giữa thế kỷ 18.
Trên cơ sở tham khảo, tóm tắt và bổ sung các sách kinh điển của Nho giáo, các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy đã biên soạn và khắc in các tập sách, phục vụ việc dạy và học của trường học Phúc Giang.
Năm 1759, một năm sau khi các bộ sách được khắc in, Nguyễn Huy Oánh được cử làm Tư nghiệp (Hiệu phó) Quốc Tử Giám, sau thăng Tế tửu (Hiệu trưởng).
Các tư liệu in từ Mộc bản trường học Phúc Giang đã được ông dùng để giảng dạy tại đây và góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nhân tài góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.
Về sau, thời nhà Nguyễn, các tài liệu này còn được các thế hệ sau của dòng họ Nguyễn Huy, điển hình là Nguyễn Huy Tá, phó Đốc học (Hiệu phó) Quốc Tử Giám ở kinh thành Huế dùng làm tài liệu dạy học.
Các tác giả chính của mộc bản như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự đều giảng dạy tại kinh đô, đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của quốc gia và khu vực vào thời kỳ đó…
Mộc bản hiện được lưu giữ, bảo quản tại nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lộc) và Bảo tàng Hà Tĩnh. Mộc bản với những dấu triện, gia huy, thư pháp, hình thức, ngôn ngữ, chất liệu gỗ… là tư liệu quý cung cấp thông tin về văn bản học, giáo dục học, in ấn, mỹ thuật, đời sống kinh tế - xã hội của một vùng quê xa kinh thành...
Mộc bản trường học Phúc Giang còn cho thấy phương pháp soạn sách giáo khoa của các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy phù hợp với trình độ giáo dục đương thời, có ý nghĩa kinh nghiệm cho việc biên soạn tài liệu giáo dục hiện nay.
Mộc bản là minh chứng cho sự du nhập của Nho học vào Việt Nam, được biến đổi phù hợp với nền giáo dục của Việt Nam đương thời và cũng là tư liệu gốc để nghiên cứu đánh giá về giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa, qua việc tiếp thu và phát triển các sách giáo khoa kinh điển của Nho gia cho việc giáo dục ở Việt Nam.
Qua tư liệu này cũng có thể so sánh sự tiếp thu Nho giáo và giáo dục Nho học của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Vinh danh di sản tư liệu
"Hoàng Hoa sứ trình đồ" và "Mộc bản trường học Phúc Giang" đã thực sự vượt ra khỏi khuôn khổ của một dòng họ, trở thành di sản tư liệu được quốc tế biết đến và vinh danh. Từ việc được vinh danh ở danh sách các di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO, các di sản này có thể tiếp tục được xem xét, vinh danh ở cấp thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh. Đó là Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận năm 2009. Số mộc bản này hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Đà Lạt, Lâm Đồng.
Tiếp đó, năm 2010, Bia Tiến sỹ Văn Miếu Thăng Long đã được công nhận là Di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới.
Đến năm 2017, Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được Ủy ban UNESCO Chương trình Ký ức thế giới công nhận là một trong 78 Di sản tư liệu thế giới năm 2017.
Trước đó, các di sản tư liệu thế giới này cũng đã được ghi danh vào danh sách Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World, MOW) là chương trình do UNESCO khởi xướng những năm 90 của thế kỷ 20 nhằm bảo tồn, quảng bá những bộ sưu tập tư liệu có giá trị đang được lưu giữ trên toàn thế giới.
Việc này xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn, tiếp cận những di sản, tài liệu quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại, mai một ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới.
Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO đã ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm) hoặc có thể là bút tích, bản thảo./.