Vĩnh Long, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế chống dịch trong tình hình mới

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, liên tục phát hiện nhiều ca mắc mới, các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế đã triển khai các biện pháp linh hoạt nhằm thích ứng với tình hình mới.
Vĩnh Long, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế chống dịch trong tình hình mới ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân Vĩnh Long. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, liên tục phát hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế đã triển khai các biện pháp linh hoạt nhằm thích ứng với tình hình mới.

Vĩnh Long: Triển khai kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch 

Tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Triển khai kế hoạch, toàn tỉnh sẽ thành lập hơn 220 tổ với gần 450 nhân viên y tế thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm. Các địa phương trong tỉnh sẽ lấy gần 800.000 mẫu để phục vụ các mục tiêu phòng, chống dịch.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, hiện, năng lực lấy mẫu tối đa của tỉnh là 44.300 mẫu đơn/ngày, năng lực xét nghiệm tối đa khoảng 3.500 mẫu đơn/ngày. Tỉnh có 3 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định RT-PCR là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.

[Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại thành phố Phan Thiết tăng cao]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, Sở Y tế cần tiếp nhận, phân bổ kịp thời hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị… để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đơn vị, địa phương; đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện xét nghiệm và trả kết quả trong vòng 24 giờ, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác truy vết, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần thực hiện đánh giá định kỳ nguy cơ lây nhiễm dịch tại cơ sở theo quy định, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn, tự chịu trách nhiệm về chất lượng test nhanh kháng nguyên, quy trình và xác nhận kết quả xét nghiệm.

Các địa bàn phát hiện ca bệnh tại cộng đồng cần tập trung lực lượng tiếp tục thần tốc truy vết, xét nghiệm tầm soát cộng đồng phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, trong gần nửa tháng qua, địa bàn phát sinh nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng. Từ ngày 15/10 đến sáng 5/11, tỉnh ghi nhận hơn 500 ca mắc, trung bình 25 ca mắc/ngày.

Đến nay, tỉnh đã ghi nhận 3.009 ca mắc COVID-19 và 57 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2.532 bệnh nhân đã được xuất viện và 47 trường hợp tử vong.

Tiền Giang tăng cường điều trị F0 tại nhà để giảm áp lực cho các bệnh viện

Từ ngày 10/10 đến ngày 4/11, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 3.479 ca F0 mới, nâng tổng số ca mắc trên toàn tỉnh lên 17.479 ca. Riêng ngày 4/11, địa bàn ghi nhận 263 F0 mới, tăng 56 ca so với ngày hôm trước; trong đó có 208 ca tại khu cách ly, 7 ca ở khu vực phong tỏa và 47 ca ghi nhận trong cộng đồng.

Vĩnh Long, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế chống dịch trong tình hình mới ảnh 2Lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát dịch bệnh tại phường 5, thị xã Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nhìn chung, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, xuất hiện một số ổ dịch có phạm vi rộng, làm tăng số ca mắc mới. Bên cạnh đó, xuất hiện ổ dịch ở các công ty (quy mô nhỏ) do công nhân đi, về hằng ngày làm lây lan, phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo bác sỹ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, địa phương đang ở cấp độ 2 - mức nguy cơ trung bình. Toàn tỉnh chỉ có huyện Tân Phú Đông đang ở trạng thái "bình thường mới"; 10 huyện, thị, thành còn lại ở cấp độ 2.

Từ ngày 10/10 đến nay, Sở Y tế thực hiện 4 lần đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh đều ở cấp độ 2. Tuy nhiên, các cấp độ dịch ở tuyến huyện, xã có sự thay đổi, trong tuần qua, "vùng xanh" quy mô cấp huyện và cấp xã đều giảm so với 3 lần đánh giá trước đó.

Theo đánh giá của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang, hiện nay, số ca F0 có xu hướng tăng, phát sinh các ca mắc trong cộng đồng. Khó khăn của tỉnh là chưa đáp ứng kịp Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nhất là trong điều kiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 còn thấp.

Bên cạnh đó, người về từ ngoài tỉnh là trên 22.300 người nhưng chưa có sự phối hợp giữa các địa phương nên còn bị động trong công tác quản lý, thực hiện xét nghiệm, cách ly y tế.

Hiện nay, Tiền Giang đã dỡ bỏ các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch, việc đi lại của người dân được nới lỏng nên rất khó kiểm soát, nhất là trong công tác điều tra, truy vết.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ lẻ) chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, chưa chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với diễn biến dịch bệnh...

Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tuy đã được tập trung nhưng chưa đạt tiến độ đề ra do các đối tượng không đủ điều kiện tiêm, chưa đến thời gian tiêm mũi 2. Khi chuyển sang trạng thái mới, nới lỏng giãn cách xã hội, người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, nhất là đối với những người đã tiêm vaccine, làm phát sinh các ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát.

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang, các địa phương cần tập trung cao độ, quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là; huy động toàn hệ thống chính trị phòng, chống dịch, đặc biệt là trong trạng thái "bình thường mới."

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, điều quan trọng trong thời gian này chính là phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, thực hiện “5K” cộng với vaccine và ý thức người dân là giải pháp hữu hiệu đẩy lùi dịch bệnh.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố áp dụng ngay biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn. Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch theo Công điện 1700 của Bộ Y tế. Khi có ổ dịch xảy ra phải khoanh vùng thật nhanh, phong tỏa hẹp nhất có thể, điều tra, truy vết thần tốc và xét nghiệm, trả kết quả nhanh để dỡ bỏ phong tỏa.

Ngoài ra, các địa phương quán triệt thực hiện theo “3 trụ cột chống dịch”: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; điều trị tích cực từ sớm, từ xa. Từng địa phương phải lập kế hoạch quản lý, xét nghiệm tầm soát định kỳ đối với các địa bàn "nguy cơ" và đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm F0.

Về công tác điều trị, Tiền Giang tăng cường điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung, hạn chế lây nhiễm chéo. Tỉnh củng cố Trạm Y tế xã, liên xã để hỗ trợ F0 ngay từ cơ sở; tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Thừa Thiên-Huế: Phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện "bình thường mới"

Ngày 5/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội nghị thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện "bình thường mới" gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19.

Vĩnh Long, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế chống dịch trong tình hình mới ảnh 3Chốt kiểm soát được thiết lập tại điểm ra, vào của xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền). (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Qua các chia sẻ thẳng thắn, cởi mở của các đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư, hội nghị là dịp để chính quyền địa phương thấu hiểu những khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Từ đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các sở, ban ngành, địa phương tìm phương án tháo gỡ khó khăn, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững mạnh đồng thời xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế-xã hội trong trạng thái mới và thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép," vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tạo điều kiện hỗ trợ phục vụ, phát triển doanh nghiệp.

Trên cơ sở ghi nhận thực trạng hoạt động của các hội, hiệp hội, hợp tác xã, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn tỉnh tạo điều kiện tiêm phòng vaccine cho người lao động đặc biệt trong ngành du lịch-dịch vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế “hộ chiếu vaccine,” “thẻ xanh” trong thời gian tới; tiếp tục có các chính sách miễn giảm thuế, lãi suất vay vốn ngân hàng, lệ phí bến bãi, phí cầu đường bộ, phí bảo trì đường bộ.

Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; triển khai các gói kích cầu du lịch trong thời gian tới.

Để sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, đại diện Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Đồng Lâm kiến nghị tỉnh triển khai nhanh chóng việc xét nghiệm; hạn chế việc cách ly, phạm vi cách ly đối với các doanh nghiệp có lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch tốt; đồng thời thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch giữa các địa phương của tỉnh.

Trước kiến nghị đẩy mạnh đào tạo việc làm, dạy nghề cho các lao động từ vùng dịch trở về của Công ty Scavi Huế, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế Hồ Dần cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức chuyển đổi nghề nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho các lao động. Tuy nhiên qua khảo sát, nhu cầu ở lại làm việc của người dân vẫn chưa rõ ràng và ảnh hưởng của dịch bệnh nên các kế hoạch, chương trình vẫn chưa thể thực hiện được.

Tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan như Công an, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong thời gian qua đã hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn giảm mức thuế và lãi suất vay vốn, đầu tư tín dụng... Các cơ quan này thống nhất quan điểm sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh trong thời gian tới.

 Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Trần Thị Hoài Trâm đã giới thiệu công cụ hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 qua 3 hình thức: đường dây nóng 0234.3629999; hộp thư điện tử bbt.ubnd@thuathienhue.gov.vn và chuyên mục “Tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Việc tiếp nhận thông tin phản ánh được thực hiện 24/7 và Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ trả lời kết quả xử lý, kiến nghị trong thời gian sớm nhất.

Lắng nghe và ghi nhận những khó khăn của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Quý Phương cho rằng, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường vì vậy điều tất yếu hiện nay là cần thích ứng an toàn.

Để làm được điều đó, tỉnh phấn đấu đẩy nhanh công tác tiêm phòng, tăng cường độ bao phủ vaccine trong toàn dân. Doanh nghiệp, người lao động cần nâng cao tinh thần phòng, chống dịch để từng bước phục hồi kinh doanh, sản xuất.

Các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và bám sát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để sớm hoàn thành việc hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sở Y tế ban hành bộ quy tắc ứng xử phòng, chống dịch đối với công nhân lao động trong khu công nghiệp...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp các ý kiến tại hội nghị để xây dựng giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện "bình thường mới."

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên-Huế đạt 2,22% - mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay. Bước sang năm 2021, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã có sự khởi sắc khi tăng trưởng kinh tế tăng 5,64% trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng, chủ yếu ở ngành du lịch, giao thông vận tải, xuất nhập khẩu... Trong hai năm 2020-2021, đã có 291 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động, 239 doanh nghiệp giải thể và tổng doanh thu bị thiệt hại là hơn 6.500 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử; tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số-Huế 2021 với nhiều hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, doanh nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, công nghệ cao…

Địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương đến cộng đồng doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...

Một số doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời trong trạng thái bình thường mới... Qua đó, các doanh nghiệp tìm thấy cơ hội và hoạt động trở lại, tạo tiền đề phục hồi phát, triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục