Vở chèo cổ ‘Quan Âm Thị Kính’ tái xuất sân khấu Thủ đô Hà Nội

Công chúng Thủ đô sẽ một lần nữa được ngả nghiêng theo ánh mắt lúng liếng đưa tình của Thị Mầu, lặng người cùng nỗi đau của Thị Kính khi vở chèo “Quan Âm Thị Kính” tái xuất sân khấu Hà Nội.
Vở chèo cổ ‘Quan Âm Thị Kính’ tái xuất sân khấu Thủ đô Hà Nội ảnh 1"Quan Âm Thị Kính" sẽ tái xuất sân khấu Nhà hát Chèo Việt Nam vào tối 25/8. (ẢnhL BTC)

Công chúng Thủ đô sẽ một lần nữa được ngả nghiêng theo ánh mắt lúng liếng đưa tình của cô “gái dở đi rình của chua” Thị Mầu, lặng người cùng nỗi đau của Thị Kính khi vở chèo “Quan Âm Thị Kính” tái xuất sân khấu Nhà hát Chèo Việt Nam (số 71 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) vào tối 25/8.

Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sỹ: Nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan, nghệ sỹ ưu tú Đoàn Vinh, nghệ sỹ ưu tú Tuấn Tài, Hà Thảo, Lệ Thu…

Bản dựng “Quan Âm Thị Kính” trình diễn lần này giữ nguyên theo cấu trúc do nghệ sỹ nhân dân Trần Bảng - cây đại thụ của làng chèo dàn dựng vào những năm cuối của thế kỷ 20: Kết hợp tính chất ước lệ của sân khấu chèo cổ phương Đông với những thủ pháp dàn dựng chặt chẽ theo lối kịch nghệ phương Tây.

Dù được diễn trên sân khấu hộp nhưng nghệ sỹ nhân dân Trần Bảng đã “trả lại” cho “Quan Âm Thị Kính” không khí hội hè sống động của chèo cổ sân đình.

[Khơi dậy tình yêu đối với chèo của người Việt Nam tại Séc]

Tích chèo “Quan Âm Thị Kính” kể về nhân vật Thị Kính đẹp người, đẹp nết, là vợ của Thiện Sỹ. Trong lúc Thiện Sỹ ngủ, Thị Kính định cắt sợi râu mọc ngược trên gương mặt chồng. Đúng lúc này, Thiện Sỹ tỉnh giấc. Thị Kính bị kết tội mưu toan giết chồng.

Nỗi oan không biết ngỏ cùng ai, Thị Kính đành giả trai đi tu, trở thành chú tiểu Kính Tâm. Trong thời gian ở chùa, Kính Tâm bị Thị Mầu đổ oan tội thông dâm, khiến ả chửa hoang. Kính Tâm bị làng phạt vạ, sống trong sự ghẻ lạnh của người đời nhưng vẫn yêu thương, chăm sóc đứa bé do Thị Màu sinh ra. Đến khi “chú tiểu” Kính Tâm kiệt sức, qua đời, sự thật mới được phơi bày. Thị Kính hóa thành Phật Quan Thế Âm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục