Vốn tín dụng chính sách là trợ lực Hà Nam phát triển nông thôn mới

Hiệu quả của tín dụng chính sách đã trở thành trụ cột chính hỗ trợ địa phương thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững từ 14,24% (giai đoạn 2006-2010) xuống còn còn 1,55% năm 2021.
Vốn tín dụng chính sách là trợ lực Hà Nam phát triển nông thôn mới ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Vietnam+)

Hơn một năm kể từ khi được Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, người dân Hà Nam không vì thế mà lơ là trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao.

Ngay cả người nghèo và các đối tượng chính sách của Hà Nam cũng không "lỗi nhịp" khi bên cạnh họ luôn có sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc nâng cao năng lực tài chính và hỗ trợ cho Ngân hàng chính sách từ sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác Ngân hàng Chính sách xã hội với lãnh đạo tỉnh Hà Nam do Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm trưởng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi, xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của ngân hàng để nâng cao hiệu quả triển khai tín dụng chính sách và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội  trên địa bàn.

[Đã giải ngân gần 4.800 tỷ đồng cho vay trả lương, phục hồi sản xuất]

Những nội dung cụ thể của Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg đã được tỉnh chỉ đaọ cụ thể cùng với kế hoạch triển khai thực hiện, hàng năm.

Đặc biệt, năm 2021 đã đánh dấu một bước chuyển mới trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội khi tỉnh chỉ đaọ tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào chi nhánh ngân hàng tỉnh.

Những trợ lực này đã tạo đà cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội  tỉnh Hà Nam nâng cao năng lực tài chính, phát huy vai trò truyền dẫn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên sản xuất kinh doanh, cải thiện chất lượng sống.

Tính đến ngày 28/2, tổng nguồn vốn tín dụng tại chi nhánh đạt hơn 2.289 tỷ đồng, tăng gấp 17,7 lần so với khi mới thành lập năm 2003. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt gần 98 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng nguồn vốn, tăng 87,5 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW (gấp 9,47 lần).

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (năm 2002) có tổng dư nợ là 129 tỷ đồng, đến nay (tháng 3/2022), trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 2.281 tỷ đồng với gần 46.200 khách hàng đang vay, tăng 2.151 tỷ đồng và gấp 17,65 lần so với khi mới thành lập.

Tổng doanh số cho vay gần 20 năm qua với khoảng 7.700 tỷ đồng đã hỗ trợ vốn cho trên 404.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; qua đó giúp trên 45.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho 30.000 lao động; trên 1.100 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 55.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập...

Hiệu quả của tín dụng chính sách đã trở thành trụ cột chính hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2006-2010 giảm từ 14,24% xuống còn còn 1,55% năm 2021).

Bà Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và chương trình cho vay nhà ở xã hội nhưng nguồn vốn cho vay các chương trình này còn hạn chế.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng cho biết, hiện mức cho vay đối với chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay còn thấp (10 triệu đồng/công trình) so với mức đầu tư, nhiều hộ thuộc địa bàn phường, thị trấn không thuộc đối tượng được vay nên vẫn còn khó khăn trong việc đầu tư, cải tạo.

Để giải quyết những vấn đề này, bên cạnh các kế hoạch ủy thác cho vay hằng năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội , tỉnh Hà Nam đang xây dựng Đề án hỗ trợ vốn tín dụng chính sách mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở và Đề án hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2022-2025 nhằm hỗ trợ vốn tín dụng chính sách cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, đối tượng thiếu việc làm. Tuy nhiên, nguồn ủy thác địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu.

Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội  tiếp tục bố trí nguồn vốn tăng trưởng giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, đặc biệt là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Hỗ trợ đối ứng nguồn vốn khi thực hiện 2 Đề án của tỉnh và đối ứng nguồn vốn Trung ương mức cao hơn so với ngân sách địa phương, tạo điều kiện cho Hà Nam tăng tỷ trọng dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong tổng dư nợ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Ngoài ra trình cấp có thẩm quyền nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Vốn tín dụng chính sách là trợ lực Hà Nam phát triển nông thôn mới ảnh 2Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)

Ghi nhận sự trợ lực và đồng hành của tỉnh Hà Nam, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nguồn vốn Trung ương cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn. Song, đối với cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, ngân hàng sẽ bố trí nguồn vốn đối ứng tương đương với nguồn vốn từ ngân sách địa phương.

Do tỷ trọng nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm của Hà Nam chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ và dư nợ tín dụng chính sách của Hà Nam hiện nay đang thấp nhất toàn quốc. Tỷ trọng nguồn vốn từ ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại Hà Nam đến ngày hết tháng 2/2022 là 4,31%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, trong khi bình quân toàn quốc là trên 10%; số dư nguồn vốn tại tỉnh đạt 97,9 tỷ đồng, trong khi bình quân toàn quốc là trên 420 tỷ đồng.

Vì vậy, ông Thắng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và các chính sách của Thủ tướng Chính phủ, cùng các Chỉ thị, kế hoạch mà tỉnh đã ban hành về tín dụng chính sách. Ngoài ra chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng tham mưu cho tỉnh nhanh chóng xây dựng và triển khai 2 Đề án tỉnh cũng như ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng để cho vay. Đặc biệt, triển khai tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục