Nông nghiệp nông thôn là khu vực liên quan đến hàng chục triệu nông dân, tạo ra phần lớn sản phẩm chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu chung đất nước. Những năm gần đây, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn với mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm.
Tuy nhiên, đến nay, chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, việc cung cấp tín dụng đến các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi bị hạn chế.
Đó là nhận định của các đại biểu tại diễn đàn "Chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn: Thực trạng và giải pháp" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức ngày 29/9, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, nguồn vốn cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn vẫn còn vấn đề lớn. Các mặt hàng vay theo truyền thống đòi hỏi vay phải có thế chấp, trong khi đối với các sản phẩm, công trình của nông dân tài sản thế chấp không cao vì nhiều tài sản giá trị nhưng lại chưa có sổ đỏ. Vì vậy rất nhiều người dân không nhận được khoản vay truyền thống.
Cũng theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam của Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam (VARHS), chỉ có hơn 38% số hộ nông dân (nông, lâm nghiệp, thủy sản) có vay vốn tín dụng, trong số đó có gần 37% đã vay được vốn tín dụng từ các ngân hàng và Ngân hàng Chính sách, còn lại tới hơn 63% vẫn phải vay từ các nguồn phi chính thức (như họ hàng, bạn bè và thậm chí là tín dụng đen…).
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành sau 3 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP chỉ khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách thì chiếm khoảng 20-22%. Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 886.000 tỷ đồng, cũng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hạn chế tín dụng nông nghiệp nông thôn thời gian qua là chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn. Cùng với đó, các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn điệu. Chủ yếu cho vay theo món, cho vay hạn mức, cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản…
Ông Thịnh cũng chỉ ra, cho vay theo tổ, nhóm và hợp tác xã còn hạn chế. Năm 2015, cả nước chỉ có 0,67% hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng và cũng chỉ có 2,25% hợp tác xã nông nghiệp được tiếp cận với quỹ hỗ trợ hợp tác xã. Hình thức cho vay theo chuỗi đang là thí điểm tốt, tuy việc cho vay mới chỉ thực hiện trên chuỗi lớn, chuỗi có xuất khẩu và chỉ tập trung vào doanh nghiệp chứ những dự án nhỏ lại chưa được vay. Bên cạnh đó, quy định mức trần lãi suất cho vay cố định và hạn chế tỷ lệ nợ xấu làm phát sinh nhiều thủ tục vay vốn. Đặc biệt điều kiện, thủ tục vay vốn vẫn còn nhiều phức tạp.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu chỉ ra là khi người dân không tiếp cận được vốn thì quay sang vay vốn của hệ thống tín dụng phi chính thức. Trong khi đó, hệ thống tín dụng này chưa phát triển dẫn đến thực tế ở nông thôn hiện chủ yếu tồn tại hai hệ thống tín dụng chính thức và tín dụng đen. Việc tiếp cận tín dụng chính thức không hề dễ dàng bởi các điều kiện phía ngân hàng đặt ra khiến người dân nhiều nơi phải tìm đến tín dụng đen với khoản vay nặng lãi đều đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Các đại biểu nhìn nhận, điều đó cho thấy cơ cấu vốn của các ngân hàng thương mại thời gian qua chưa thực sự ưu đãi khu vực này. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường được đánh giá là rủi ro cao (thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường), lợi nhuận thấp hơn các khu vực khác.
Để khắc phục những hạn chế trên, tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn phù hợp với đặc thù của chu kỳ sản xuất từng sản phẩm trong nông nghiệp. Cùng với đó, xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thé chấp để vay vốn như: tài sản trên đất, tài sản hình thành từ vốn vay… Bên cạnh đó, cần phát triển bảo hiểm nông nghiệp và phát triển thị trường lao động tại khu vực này./.