Vốn trung và dài hạn cho phát triển chăn nuôi đang thiếu và yếu

Các đại biểu cho rằng, hiện quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ và thấp so với nhu cầu.
Vốn trung và dài hạn cho phát triển chăn nuôi đang thiếu và yếu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

“Chúng tôi mong ngân hàng tạo điều kiện để giúp đỡ cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn phù hợp. Thế chấp phải có bìa đỏ mà giá trị đất rất rẻ. Còn nhà xưởng, máy móc vài tỷ nhưng chính sách không có cho thế chấp nhà xưởng, máy móc nên rất mong có các giải pháp tiếp cận nguồn vốn dễ hơn.”

Đó là ý kiến của ông Phạm Đình Thắng, nông dân xuất sắc huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang tại hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 30/10, tại Hà Nội.

Khơi thông vốn cho tam nông

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, tính đến 30/9, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đã đạt trên 925.000 tỷ đồng (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế.

Cũng theo Phó Thống đốc, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm. Những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 05-6%/năm.

Còn ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo ngành ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp và thực tế các chính sách tín dụng đã có tác động mạnh mẽ trong việc khơi thông nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách tín dụng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ và thấp so với nhu cầu.

Theo ông Môn, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần có một lượng vốn lớn, trong đó nguồn vốn tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

"1 đồng vốn cần có 200 đồng đảm bảo"

Ông Phạm Đình Thắng, nông dân xuất sắc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã đại diện cho khoảng 400 hộ trồng, chế biến chăm sóc cây dong riềng tại tỉnh đến chia sẻ, doanh nghiệp của ông hoạt động theo cơ chế kinh tế hợp tác xã chuyên chế biến, sản xuất và tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm.

Trong thời gian qua, doanh nghiệp của ông Thắng đã được ngân hàng trên địa bàn huyện tạo điều kiện vay vốn nhưng doanh nghiệp của ông đang rất cần nguồn vốn dài hạn.

“Đầu tư cho nông dân không rủi ro vì vụ này không trả được, vụ sau chúng tôi sẽ có kế hoạch giúp nông dân trả lại đồng vốn cho ngân hàng. Hiện, chúng tôi có 2.000 lao động, cần có vốn để thu mua khoảng vài tỷ bộ dong riềng cho đầu vào sản xuất miến nhưng hết mùa vụ lại không cần vốn nữa. Chúng tôi mong các ngân hàng tạo điều kiện để giúp đỡ cho doanh nghiệp như chúng tôi có thể tiếp cận được nguồn vốn phù hợp. Thế chấp phải có bìa đỏ mà giá trị đất rất rẻ. Còn nhà xưởng, máy móc vài tỷ nhưng chính sách không có cho thế chấp nhà xưởng, máy móc nên rất mong có các giải pháp tiếp cận nguồn vốn dễ hơn,” ông Thắng kiến nghị.

Vốn trung và dài hạn cho phát triển chăn nuôi đang thiếu và yếu ảnh 2Ông Phạm Đình Thắng, nông dân xuất sắc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Còn bà Trịnh Thị Mý, tại xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết gia đình bà làm nghề chăn nuôi là chính và đã tiếp cận được nguồn vốn của Agribank cách đây gần 10 năm.

Tuy nhiên, hiện gia đình bà Mý muốn mở rộng quy mô chăn nuôi khép kín và sẽ tăng đàn lên 600 con lợn nái và 10.000 con lợn thương phẩm và mong muốn được ngân hàng nhận thế chấp bằng trang trại để vay vốn.

Bà Mỹ cho biết: “Hiện Nghị định 55 đã có cơ chế cho vay tín chấp nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Còn về thế chấp, chúng tôi đã phải sử dụng 6 bìa đỏ với diện tích 4.200m2 và có cả nhà kiên cố mới vay được vốn.”

Bà Mỹ cũng đề nghị Hội Nông dân làm tốt công tác tham mưu quan tâm đầu ra thực phẩm trong nước, cần có chế tài xử lý thật nặng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá cả trong chăn nuôi. Cần có chính sách cấp bìa đỏ cho trang trại chăn nuôi cách xa trong khu dân cư với thời hạn 50 năm để có thể dùng làm tài sản thế chấp vay vốn.

Cũng tại hội nghị, ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương cho biết, Công ty ông có 2 nhà máy thức ăn gia súc với có 8.000 con heo nái, 7 trại giống, liên kết 20 trạm ở các tỉnh để sản xuất và cung cấp giống.

Ông Thành chia sẻ, ở các nước cho vay chăn nuôi 30 năm, còn Việt Nam chỉ vay 3 năm và nhiều là 7 năm thì không thể nào có đủ tiền quay vòng trả cho ngân hàng. Thủ tục pháp lý vay vốn quá nhiều, ví dụ tài sản đó phải có giao dịch đảm bảo. Muốn chứng minh tài sản đảm bảo thì quá nhiều giấy tờ. Để có 1 đồng vốn cần có 200 đồng vốn đảm bảo. Để vay 100 đồng vốn lưu động cần có 500 đồng vốn tài sản bảo đảm. Cơ chế chính sách để làm tài sản đảm bảo cho người chăn nuôi vay vốn cần thông thoáng hơn để doanh nghiệp có đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Tham vọng của chúng tôi xây dựng 15 dự án sản xuất con giống nhưng muốn vay vốn rất khó khăn. Tôi xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần bố trí nguồn lực cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ; xem xét giảm lãi suất, hiện lãi suất vay được của doanh nghiệp vẫn khoảng 9% là rất cao. Có như vậy nông nghiệp mới phát triển được,” ông Thành kiến nghị.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương. Cụ thể trước đây cho vay trồng trọt, lương thực có 3 gói ưu đãi, bây giờ sẽ xem xét đặt ra nữa không.

Ngoài ra, sẽ tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, chứ không tràn lan ở các lĩnh vực mà sẽ trọng tâm vào các lĩnh vực như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

“Đặc biệt là cho vay các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Một chuỗi liên kết có thể có nhiều thành phần tham gia nhưng quan trọng là lợi ích các bên tham gia, khi có lợi ích thì người ta sẽ tham gia. Ngân hàng như sợi dây tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này,” Phó Thống đốc nhấn mạnh./.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục