Theo thông tin mới nhất tại hiện trường, mũi khoan hầm cứu hộ bên phía vách phải đường hầm chính đã vào sâu được gần 20m đồng thời tiếp tục tiến vào để vượt qua đoạn hầm bị sập dài 35m bị bịt kín đất đá.
Nước ngập trong hầm cũng đã được bơm thoát hết ra ngoài, đường hầm đã dần khô ráo. Một số nhân viên cứu hộ, thợ mỏ trực tiếp khoan, đào hầm cho biết công việc đang gặp thuận lợi và rất hy vọng đến sáng 20/12 có thể hoàn thành hai đường hầm phụ này.
Song song với công tác khoan đào 2 đường hầm cứu hộ, các mũi khoan tạo lỗ thông hơi, cung cấp quần áo và nhu yếu phẩm cho 12 công nhân đang bị mắc kẹt trong đường hầm bị sập.
Cùng với tiến độ khoan hầm cứu hộ, việc tiếp oxy, sữa, nước uống cho các công nhân bị mắc kẹt vẫn diễn ra bình thường. Các nạn nhân đã liên lạc được và cho biết tình hình sức khỏe và tâm lý của mọi người vẫn ổn định.
Vào đầu giờ chiều nay, trước khả năng các lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận nhóm công nhân vị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vào đêm 19/12 hoặc rạng sáng 20/12, các lực lượng cứu hộ đã tiến hành diễn tập giải cứu, cấp cứu nạn nhân.
Có khoảng 100 nhân viên cứu hộ đã tham gia buổi diễn tập tình huống giả định giải cứu các nạn nhân.
Các nạn nhân sau khi đã thoát ra ngoài qua 2 đường hầm cứu hộ được khoan đào hai bên vách đường hầm chính, tùy điều kiện sức khỏe và thể trạng từng người sẽ được đưa lên băng ca, hoặc đích thân nhân viên cứu hộ khuân vác đưa qua đoạn đường hầm dài 500 m ra phía cửa hầm để sơ cứu, cấp cứu tại chỗ. Ngay khi ra khỏi đoạn hầm bị mắc kẹt, các nạn nân cũng sẽ được chuyên gia y tế túc trực sẵn tiến hành phân loại nạn nhân theo tình trạng của mỗi người để có hướng sơ cứu, cấp cứu phù hợp, kịp thời.
Hiện lực lượng y tế của tỉnh Lâm Đồng với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng ứng phó với các tình huống cấp cứu.
Tiến sỹ Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết lực lượng y tế tại chỗ đã được tăng cường đầy đủ về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, thuốc men để cứu chữa nạn nhân.
Các bệnh viện của tỉnh đặt tại thành phố Đà Lạt, cách hiện trường vụ tai nạn hơn 30km, cũng đã chuẩn bị để tiếp nhận cấp cứu các nạn nhân của vụ sập hầm.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng nhanh nhất là đêm khuya hôm nay, 19/12, có thể tiếp cận được với nhóm công nhân bị mắc kẹt.
Theo ông Đoàn Văn Việt, người đã theo dõi trực tiếp công tác cứu hộ trong suốt buổi sáng, nếu công tác cứu hộ tiếp tục được đảm bảo với tiến độ nhanh và đạt kết quả như sáng nay, 19/12, thì nhanh nhất là đêm khuya hôm nay hoặc chậm nhất là sáng mai, 20/12, lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận được những người mắc kẹt.
Sáng 19/12 đã có thêm lỗ thông mới để thông hơi, thoát nước cho khu vực hầm nơi có 12 công nhân đang bị mắc kẹt. Đến 9 giờ ngày 19/12, mũi khoan từ phía sau hầm đã thành công, lực lượng cứu hộ bắt đầu cho bơm hút nước, bùn ngập từ bên trong ra ngoài. Đến khoảng 10 giờ 30 cùng ngày, lỗ thông bị tắc, ngay lập tức các đội cứu hộ đã khắc phục. Đến 11 giờ ngày 19/12, lỗ thông đã hoạt động trở lại để tiếp tục bơm hút nước ra ngoài.
Mũi khoan này cũng có đường kính 6 cm, như 3 mũi khoan từ phía trước cửa hầm đã thành công trong các ngày trước đó, giúp thông hơi và thoát nước tốt hơn, đặc biệt đây là phía hạ lưu nên nước ngập bên trong sẽ được thoát nhanh ra ngoài./.