Dù đã hoàn thành nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn rất hạn chế, tạo thành những điểm nghẽn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết các nhiệm vụ ngành giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX và kết luận số 29-KL/TW ngày 14/08/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 21/10.
Giải bài toán liên kết vùng
Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Đến nay, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự thay đổi rõ rệt.
Cụ thể, các tuyến Quốc lộ bị chia cắt bởi hệ thông sông lớn đã được xây dựng công trình cầu vượt sông; hình thành các cao tốc, Quốc lộ trục dọc và trục ngang phân bổ trên toàn vùng; quy hoạch một số sân bay tại các khu vực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng (Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá, Phú Quốc). Hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa được quy hoạch phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu vận tải đã mở ra cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thêm nhiều phương thức vận tải để kết nối với cả nước và quốc tế.
Tuy nhiên, ông Mười cũng nhìn nhận do xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, địa chất phức tạp, suất đầu tư các công trình giao thông của vùng rất lớn nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện vẫn còn rất hạn chế, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Các điều kiện nguồn lực còn khó khăn nên việc triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đạt được theo mục tiêu quy hoạch; chất lượng công tác lập quy hoạch chưa cao, thiếu tính đồng bộ, chưa chú trọng tính liên kết giữa các phương thức vận tải; tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc còn chậm, mạng lưới Quốc lộ chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, nhiều tuyến có tiêu chuẩn thấp…,” ông Mười đánh giá.
[Tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long]
Theo ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, hiện tỷ lệ số km đường cao tốc của vùng rất thấp (chưa đến 100km) nên thời gian tới cần có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn này.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho rằng một trong những lý do nhà đầu tư chưa rót vốn nhiều vào Đồng bằng sông Cửu Long là do yếu kém về hạ tầng và logisitcs nên thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh về hạ tầng, trong đó có các trục dọc, trục ngang và hạ tầng hành lang kinh tế ven biển.
“Huy động tốn đa nguồn lực về đầu tư kinh tế (BOT, PPP) vào đầu tư giao thông thời gian qua dù có nhiều hình thức nhưng chưa thực hiện tốt nên áp lực dồn về ngân sách đầu tư công. Tuy nhiên, vốn đầu tư công sẽ không thể đủ nguồn lực đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần xây dựng cơ chế, phân cấp nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương,” ông Thư gợi mở.
Có cơ chế đặc thù để đẩy mạnh hạ tầng
Để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa thế mạnh của vùng; khai thác mọi nguồn lực; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Bộ Giao thông Vận tải đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư 5 đoạn cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài 190km; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 191km; Hà Tiên-Rạch Giá dài 100km; An Hữu-Cao Lãnh dài 30km; đầu tư hệ thống đường bộ ven biển (qua 7 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài 788km); tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ dài khoảng 174km; tập trung phát triển 4 hành lang vận tải thủy nội địa, 20 tuyến vận tải thủy nội địa chính với tổng chiều dài 2.570 km; đầu tư các cảng biển ở vùng tiếp nhận tàu biển tải trọng lớn; nâng cấp, mở rộng công suất khai thác các sân bay…
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu cơ quan của Bộ rà soát dự án trọng điểm đầu tư nếu có nêu trong Nghị quyết và Kết luận mà chưa làm thì thời gian tới phải được ưu tiên đầu tư, kế hoạch danh mục đầu tư 2021-2025 đã ban hành thì nhất quyết phải đầu tư.
[Tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long]
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp đột xuất như phát hành trái phiếu chính phủ sử dụng hiệu quả để đầu tư, có cơ chế đặc thù, đa dạng hóa các giải pháp. Một số dự án mang tính đột phá phải liệt kê ra để làm như cảng Trần Đề, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, Châu Đốc-Cà Mau, Kiên Giang-Bạc Liêu... đưa ra mốc thời gian hoàn thành và thu xếp vốn để các Bộ, ngành và Bộ Chính trị thảo luận.
“Bộ Giao thông Vận tải mong muốn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng nên việc tổ chức thực hiện phải hết sức cụ thể đối với từng bộ, ngành cần làm gì để tập trung cho kế hoạch xây dựng cầu đường; các giải pháp huy động vốn; cơ chế rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư...,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói./.