WB: Chống biến đổi khí hậu là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo

Các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới của IMF và WB đã nhóm họp tại thủ đô Lima của Peru để thảo luận về vấn đề xóa đói giảm nghèo, cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
WB: Chống biến đổi khí hậu là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo ảnh 1Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde phát biểu tại Hội nghị thường niên của IMF và WB. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Trong ngày làm việc 9/10 của hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Lima của Peru, các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới đã tập trung thảo luận về vấn đề xóa đói giảm nghèo, cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm bớt sự bất ổn toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết tỷ lệ dân số cực nghèo trên thế giới lần đầu tiên sẽ dưới mức 15% trong năm 2015.

Ông bày tỏ hy vọng tới năm 2030, thế giới không còn những đối tượng thuộc diện cực nghèo. Người đứng đầu WB cũng lưu ý rằng để xóa đói giảm nghèo, điều kiện quan trọng là phải tìm được giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó giảm thiểu thiên tai mà trong đó, những người nghèo trên thế giới trở thành những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Chủ tịch Jim Yong Kim, thế giới cần nhận thức rằng một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất đe dọa con người chính là tình trạng biến đổi khí hậu. Nếu các nhà lãnh đạo thế giới không tìm ra giải pháp giảm thiểu lượng khí thải CO2 để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng thêm 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, sẽ khó có thể đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo và bảo vệ Trái Đất cho các thế hệ mai sau.

Cũng trong phiên họp toàn thể, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã có bài phát biểu về tình hình kinh tế toàn cầu, các giải pháp và cải cách của IMF.

Bà nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ dừng ở mức 3,1%, thấp hơn so với mức dự đoán 3,3% đưa ra trước đó. Nguyên nhân là do sự bất ổn toàn cầu, trong đó bao gồm các điều chỉnh chính sách phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tổng Giám đốc Lagarde nhận định sự chuyển đổi chính sách, bao gồm việc tiến lên mô hình phát triển kiểu mới của Trung Quốc và những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ là cần thiết. Tuy nhiên chúng cũng tác động đến các quốc gia khác, thông qua hoạt động thương mại, tỷ giá hối đoái, thị trường tài sản và dòng vốn.

Đề cập đến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế thế giới và sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi, bà Lagarde kiến nghị cần có những cải cách phù hợp.

Theo lịch trình, Hội nghị thường niên IMF và WB sẽ kéo dài đến ngày 11/10 với nhiều chủ đề được bàn bạc, trong đó có vấn đề chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.