Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đưa ra dự báo về viễn cảnh kinh tế khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), theo đó tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong ngắn hạn không dấu hiệu tiến triển tích cực do ảnh hưởng của chiến tranh, hoạt động khủng bố và giá dầu lao dốc.
WB cho biết thiệt hại kinh tế trong 5 năm nội chiến tại Syria và sự sa lầy của các nước láng giềng trong cuộc xung đột này ước tính lên tới gần 35 tỷ USD, tương đương Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria năm 2007.
Ông Shanta Devarajan, nhà kinh tế trưởng của WB tại khu vực MENA cho biết cuộc nội chiến không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất về di cư kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tỷ lệ thất nghiệp ở những người tị nạn cao, đặc biệt là phụ nữ. Tại Liban, khoảng 92% số người tị nạn Syria không có hợp đồng lao động và hơn 50% được tuyển dụng theo mùa vụ, theo tháng hoặc theo ngày chỉ với đồng lương tối thiểu.
Xung đột và bạo lực đã làm giảm những tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục tại Libya, Syria, Yemen và Iraq.
Theo WB, tại Syria, cuộc nội chiến đã ngăn cản hơn nửa số trẻ em ở độ tuổi đi học đến trường. Tại Yemen, số người nghèo đã tăng từ 12 triệu người trước chiến tranh lên tới hơn 20 triệu người hiện nay (chiếm 80% dân số).
Các nước có đường biên giới giáp với các khu vực xung đột như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan và Ai Cập đều phải chịu sức ép ngân sách lớn. Việc khoảng 630.000 người tị nạn Syria chạy sang Jordan khiến nước này thiệt hại 2,5 tỷ USD/năm, chiếm 6% GDP và 1/4 nguồn thu của nước này.
Ông Lili Mottaghi, chuyên gia kinh tế của WB cho rằng khôi phục hòa bình tại Syria, Iraq và Yemen sẽ giúp phục hồi hoạt động khai thác dầu khí, giúp các nước này có nguồn thu lớn cho ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về trung hạn. Điều đó cũng tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới các nước láng giềng./.