Ngày 6/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 2,9%, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6/2015, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng 2,4% của năm 2015.
Theo WB, việc hạ dự báo là do sự tăng trưởng đáng "thất vọng" tại một số nền kinh tế thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil.
Báo cáo có tên "Triển vọng Kinh tế toàn cầu" của WB nêu rõ: "Sự yếu kém diễn ra cùng lúc ở các thị trường lớn mới nổi gây quan ngại cho việc đạt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và thịnh vượng chung bởi vì các nước này đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua."
Trong bối cảnh chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, yếu hơn so với mức 6,9% của năm 2015 và đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 1990. Kể từ giữa năm 2014, Trung Quốc đã trải qua nhiều "cơn bão" tài chính và mới nhất là việc thị trường chứng khoán nước này sụt giảm tới 7% hôm 5/1.
Cũng theo WB, hai nền kinh tế thị trường mới nổi khác đã rơi vào suy thoái là Brazil sụt giảm tăng trưởng 3,6% xuống còn 2,5% và Nga giảm 1,4% xuống còn 0,7%. Cả hai nước này đều bị ảnh hưởng nặng bởi giá cả các loại hàng hóa sụt giảm như dầu mỏ và nông sản./.