Thế giới chưa quan tâm đúng mức đến tình trạng Trái Đất ấm lên và quỹ thời gian để các nước áp dụng các biện pháp ngăn chặn những hậu quả tiêu cực của tình trạng này như lũ lụt kéo dài tại khu vực thành thị trong khi khô hạn nghiêm trọng tại vùng nông thôn không còn nhiều.
Phát biểu ngày 10/4 tại Washington (Mỹ) nhân các cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim, cảnh báo thế giới đang tiến gần tới ngưỡng không thể kiểm soát được tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, giữ cho nhiệt độ tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Điều này đồng nghĩa với việc 40% diện tích đất canh tác tại châu Phi sẽ biến mất, thủ đô Bangkok của Thái Lan bị nhấn chìm trong biển nước.
Nhà lãnh đạo WB cũng bày tỏ quan ngại trước một số ý kiến coi nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, cho rằng đây không phải là một vấn đề quá cấp bách vào thế giới vào thời điểm hiện nay.
Ông cảnh báo nếu không tiếp tục hành động khẩn cấp, trong 10-15 năm tới, khi bùng nổ các cuộc xung đột tranh giành nguồn nước và lương thực, tình hình sẽ khó có thể cứu vãn.
Tháng Sáu năm ngoái, WB từng cảnh báo trong 20-30 năm tới, nền nhiệt trung bình của Trái Đất sẽ tăng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khiến mực nước biển tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất cao dẫn đến khan hiếm nước ngọt và thiếu lương thực trầm trọng.
Trong báo cáo, các chuyên gia của WB đã đánh giá những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, Đông Nam Á và Nam Á, nơi tập trung nhiều người thuộc diện nghèo khổ nhất thế giới.
Theo báo cáo, với tình trạng Trái Đất ấm lên hiện nay khi nền nhiệt trung bình chỉ cao hơn 0,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hồi thế kỷ 18, nạn hạn hán ở Nam sa mạc Sahara và tình trạng xâm thực ở Đông Nam Á đã tăng mạnh. Tình hình được dự báo sẽ tồi tệ hơn nhiều trong hai thập kỷ tới./.