Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa cảnh báo "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những rủi ro sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ táo bạo.
Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2014-2015 của WEF về những yếu tố thúc đẩy năng suất và sự thịnh vượng quốc gia, cho thấy việc thực hiện không đồng đều cải cách cơ cấu giữa các khu vực với mức độ phát triển khác nhau là thách thức lớn nhất để duy trì tăng trưởng toàn cầu.
Theo Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) được WEF công bố, Thụy Sĩ vẫn đứng đầu bảng, Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ hai, trong khi Mỹ đã cải thiện vị trí cạnh tranh, leo hai bậc lên vị trí thứ ba. Phần Lan đứng thứ tư và Đức đứng thứ năm - cả hai đều bị tụt một bậc, tiếp đến là Nhật Bản (thứ 6), Hong Kong (Trung Quốc) (thứ 7), Hà Lan (thứ 8), Vương quốc Anh (thứ 9) và Thụy Điển đứng thứ 10.
Tại châu Âu, một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng kinh tế như Tây Ban Nha (xếp thứ 35), Bồ Đào Nha (36) và Hy Lạp (81), đã có những bước tiến đáng kể để cải thiện hoạt động của thị trường và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Ngoài ra, một số nước tiếp tục phải đối mặt với những thách thức cạnh tranh lớn do chưa tham gia đầy đủ vào quá trình này như Pháp (đứng thứ 23) và Italy (49).
Một số nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất thế giới tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh. Saudi Arabia (đứng thứ 24), Thổ Nhĩ Kỳ (45), Nam Phi (56), Brazil (57), Mexico (61), Ấn Độ (71) và Nigeria (127) - tất cả đều bị tụt bậc trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, Trung Quốc (xếp thứ 28) lại đi lên một bậc và vẫn xếp hạng cao nhất trong nhóm BRICS.
Tại châu Á, ngoài Singapore, năm quốc gia lớn nhất khu vực (ASEAN) đều đạt được tiến bộ trong bảng xếp hạng gồm Malaysia (đứng thứ 20), Thái Lan (31), Indonesia (34), Philippines (52) và Việt Nam (68), trong đó, Philippines được đánh giá là quốc gia tiến bộ nhất kể từ năm 2010.
Để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và tiếp tục giữ đà tăng tưởng trong những năm qua, các nền kinh tế chủ chốt khu vực Mỹ Latinh vẫn có nhu cầu thực hiện cải cách và tham gia vào đầu tư sản xuất để cải thiện cơ sở hạ tầng, kỹ năng và đổi mới. Với thứ hạng 33, Chile tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng khu vực, đứng trước Panama (48) và Costa Rica (51).
Đứng đầu về chỉ số xếp hạng ở khu vực Trung Đông là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (đứng thứ 12) thì ở Bắc Phi, nước giữ vị trí cao nhất là Maroc đứng vị trí 72. Trong khi đó, châu Phi cận Sahara tiếp tục giữ mức tăng trưởng ấn tượng gần 5%.
Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho rằng tình hình căng thẳng địa chính trị toàn cầu, sự bất bình đẳng thu nhập, cũng như việc thắt chặt các điều kiện tài chính có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Ông Schwab đã kêu gọi đẩy mạnh cải cách cơ cấu để đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện./.