WTO ''bật đèn xanh'' cho EU trả đũa Mỹ vì trợ cấp trái phép Boeing

Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO chính thức cho phép EU thực hiện các biện pháp trả đũa Mỹ, theo đó, EU có thể tăng thuế đối với khối hàng hóa xuất khẩu của Mỹ với trị giá lên tới 4 tỷ USD.
Máy bay Boeing 737 MAX tại nhà máy của Boeing ở Seattle, Washington, Mỹ, ngày 30/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay Boeing 737 MAX tại nhà máy của Boeing ở Seattle, Washington, Mỹ, ngày 30/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả Mỹ sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xác nhận EU có quyền trả đũa Mỹ vì trợ cấp bất hợp pháp dành cho hãng sản xuất máy bay Boeing của nước này.

Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra thông báo trên ngày 26/10 sau khi Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO cùng ngày chính thức cho phép EU thực hiện các biện pháp trả đũa. Theo đó, EU có thể tăng thuế đối với khối hàng hóa xuất khẩu của Mỹ với trị giá lên tới 4 tỷ USD.

Ủy viên Thương mại của EC, ông Valdis Dombrovskis, cho biết hiện tại ủy ban đang hoàn thiện quy trình chuẩn bị các biện pháp trả đũa với sự tham vấn chặt chẽ từ các thành viên EU.

[Mỹ đề xuất với EU giải pháp cho tranh chấp liên quan trợ giá máy bay]

Ông Dombrovskis nhấn mạnh ưu tiên của EU là đạt được giải pháp tháo gỡ vấn đề thông qua đàm phán với Mỹ.

Tuy nhiên, nếu không đạt được kết quả đàm phán như mong đợi, EU sẵn sàng có hành động tuân thủ phán quyết của WTO.

Ông Dombrovskis cũng cho biết thêm vẫn giữ liên lạc thường xuyên với đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Hồi tháng 10/2019, sau một phán quyết tương tự của WTO cho rằng các nước châu Âu đã trợ cấp trái phép cho hãng sản xuất máy bay Airbus, Washington đã bắt đầu áp thuế trả đũa với khối hàng hóa xuất khẩu của EU trị giá 7,5 tỷ USD.

Các mức thuế vẫn được duy trì ngay cả sau khi chính phủ các nước châu Âu đưa ra quyết định nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.