WTO có thể suy yếu nếu việc ký kết TFA tiếp tục thất bại

WTO có thể suy yếu thêm nếu việc ký kết thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) tiếp tục thất bại trong cuộc họp ngày 21/10 tới.
WTO có thể suy yếu nếu việc ký kết TFA tiếp tục thất bại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: wall-street.com)

Theo giới quan sát, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang "tiến thoái lưỡng nan" trước ngã ba đường, với cảnh báo cơ quan này có thể suy yếu thêm, nếu việc ký kết thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) tiếp tục thất bại trong cuộc họp vào ngày 21/10 tới.

Dự thảo TFA, trong đó có việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, đồng thời thiết lập một ủy ban xúc tiến thương mại quốc tế để tiếp tục đẩy mạnh quá trình tinh giản bộ máy hành chính quan liêu, đã được các ngoại trưởng WTO đưa ra tại hội nghị diễn ra ở Bali, Indonesia hồi tháng 12 năm ngoái và được dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 7/2014.

Tuy nhiên, bất đồng giữa các thành viên, đặc biệt là đòi hỏi của Ấn Độ đối với việc tăng mức dự trữ nhà nước về lương thực, đã khiến mục tiêu đạt được thỏa thuận trở nên xa với. Vấn đề khiến Ấn Độ không nhất trí với TFA là một điều khoản trong TFA quy định trợ cấp nông nghiệp không thể quá 10% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ấn Độ lo ngại việc chấp thuận TFA có thể làm tổn hại đến chính sách an ninh lương thực của họ. Luật an ninh lương thực của Ấn Độ quy định chính phủ sẽ cung cấp lương thực cho hầu hết bộ phận dân nghèo với giá cực thấp.

Một quan chức ngoại giao cảnh báo nếu WTO đáp ứng yêu cầu nâng mức dự trữ nhà nước về lương thực, đây sẽ là một tiền lệ xấu và ví động thái này chẳng khác nào mở một chiếc hộp “Pandora”, có thể khiến các thành viên khác thay đổi thái độ và đưa ra thêm yêu sách, gây trở ngại cho việc ký kết TFA.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao cũng lưu ý rằng nếu không đưa ra được giải pháp cho TFA trong cuộc họp tới (21/10), WTO sẽ đối mặt với những hậu quả rất nặng nề.

Trong chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Mỹ vào cuối tháng 9/2014, tại thủ đô Washington, Thủ tướng Modi bày tỏ hy vọng TFA sẽ sớm được ký kết.

Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ước tính rằng nếu TFA được thông qua, sẽ giúp tiết kiệm 10-15% chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới và mang đến cho các nền kinh tế toàn cầu thêm 1.000 tỷ USD/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.