WTO: Tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu đang chậm lại

WTO cho biết chỉ số thương mại hàng hóa của tổ chức này đã giảm từ 96,2 điểm trong tháng 11/2022, xuống còn 92,2 điểm trong tháng 3/2023, thấp hơn nhiều so với đường cơ sở 100 điểm.
WTO: Tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu đang chậm lại ảnh 1Cảng container ở Ninh Ba-Chu San, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 1/3 cho biết tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu đã chậm lại vào cuối năm 2022 và có khả năng duy trì ở mức thấp trong quý đầu của năm nay.

Mặc dù vậy, WTO cũng dự báo đà tăng trưởng chậm này có thể diễn ra trong thời gian ngắn, do số lượng container đi qua các cảng của Trung Quốc và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã bắt đầu tăng lên, sau khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19.

WTO cho biết chỉ số thương mại hàng hóa của tổ chức này đã giảm từ 96,2 điểm trong tháng 11/2022, xuống còn 92,2 điểm trong tháng 3/2023, thấp hơn nhiều so với đường cơ sở 100 điểm nhằm phân chia khối lượng thương mại trên hoặc dưới xu hướng.

Bên cạnh đó, các thành phần liên quan tới ôtô mang chỉ số tích cực, do doanh số bán hàng và sản xuất ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nằm trên xu hướng, vượt xa sự suy giảm ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chỉ số vận tải container, linh kiện điện tử và các nguyên vật liệu thô đều sụt giảm và nằm dưới xu hướng.

Chỉ số thương mại hàng hóa của WTO là phong vũ biểu thương mại hàng hóa cung cấp thông tin thời gian thực về quá trình giao dịch hàng hóa thế giới liên quan đến các xu hướng gần đây.

Dựa vào chỉ số này có thể đánh giá động lực tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Trước đó, theo đánh giá đưa ra ngày 23/2 của WTO, thương mại toàn cầu "đã duy trì tốt" khi đối mặt với cuộc xung đột Nga-Ukraine, những dự đoán tồi tệ nhất khi cuộc xung đột mới bùng phát đã không xảy ra.

Nhà kinh tế trưởng Ralph Ossa nhận định những dự báo về giá lương thực tăng cao và thiếu hụt nguồn cung đã không thành hiện thực nhờ sự cởi mở của hệ thống thương mại đa phương và sự hợp tác của các chính phủ đã cam kết tại WTO.

WTO: Tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu đang chậm lại ảnh 2Trung Quốc sẽ là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới trong 5 năm tới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các đối tác thương mại đã tìm thấy các nguồn thay thế để lấp đầy khoảng trống cho hầu hết nguồn cung các sản phẩm bị ảnh hưởng do cuộc xung đột, trong đó có lúa mỳ, ngô, nhiên liệu và nguyên liệu hiếm...

Giá các loại hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc khủng hoảng tăng ít hơn những dự báo được đưa ra khi cuộc xung đột bùng phát.

Điển hình như giá lúa mỳ tăng 17%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 85% mà WTO dự đoán với loại lương thực này tại một số khu vực có thu nhập thấp.

[Kinh tế thế giới vẫn oằn mình từ tác động của xung đột Nga-Ukraine]

Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế thế giới đã vượt qua xung đột khi sự lạc quan chiếm ưu thế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay tại Davos, trong khi thị trường tài chính dự báo các nền kinh tế tiên tiến có thể tránh được suy thoái toàn diện.

Một động lực cho nền kinh tế thế giới là việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19 và mở cửa trở lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, tăng 0,8 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022.

Đại diện thường trú IMF tại Trung Quốc, Steven Barnett, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong năm nay và đóng góp 30% trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

WTO: Tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu đang chậm lại ảnh 3Tình trạng lạm phát tăng cao đang diễn ra tại nhiều nền kinh tế trên thế giới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy vậy, không thể phủ nhận kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Một năm sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề như nguồn cung ngũ cốc, phân bón và năng lượng toàn cầu bị hạn chế, cùng với lạm phát gia tăng và rủi ro suy thoái kinh tế ngày một lớn.

Trong Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) tháng 1/2023, IMF dự báo xu hướng tăng trưởng toàn cầu giảm tốc từ 6,2% năm 2021 xuống 3,4% năm 2022 và 2,9% năm 2023 - tương đương với khoảng 1.000 tỷ USD bị mất đi.

Ngoài triển vọng tăng trưởng suy giảm như dự báo của IMF, một thiệt hại khác của cuộc chiến này là áp lực lạm phát gia tăng trên khắp các nền kinh tế thế giới.

IMF cho biết giá tiêu dùng đã tăng trung bình 7,3% ở các quốc gia giàu có nhất vào năm ngoái - cao hơn mức dự báo 3,9% vào tháng 1/2022.

Đối với các quốc gia nghèo hơn, con số này tăng từ mức 5,9% dự kiến trước cuộc xung đột lên 9,9%. Lạm phát toàn cầu được ước tính sẽ tăng từ 4,7% hồi năm 2021 lên 8,8% năm 2022 trước khi giảm nhẹ trong những năm tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.