Xác định trọng tâm kiểm toán môi trường và khai thác khoáng sản

Kiểm toán Nhà nước sẽ xác định kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Xác định trọng tâm kiểm toán môi trường và khai thác khoáng sản ảnh 1Xây dựng dữ liệu giúp bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã thực hiện các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chỉ ra nhiều bất cập về cơ chế chính sách đồng thời nguồn tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững.

Kiểm toán đi sâu vào hoạt động môi trường

Phát biểu tại hội thảo “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán Nhà nước,” ngày 1/12, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh kết quả kiểm toán thời gian qua cho thấy một số loại tài nguyên đang bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi rất nghiêm trọng, hơn nữa việc ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay còn bị động và lúng túng.

Những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã đẩy mạnh kiểm toán công tác công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc lựa chọn các chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội và truyền thông quan tâm.

[Đối tác đánh giá cao vai trò xác nhận độc lập của Kiểm toán Việt Nam]

Cụ thể, Phó tổng kiểm toán cho biết một số cuộc kiểm toán tiêu biểu, như Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông; Quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư đô thị giai đoạn 2017-2020; Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021…

Qua những cuộc kiểm toán này, ngành đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và dành sự quan tâm đến các khía cạnh về môi trường.

Tuy nhiên, Phó Tổng kiểm toán Doãn Anh Thơ nhìn nhận công tác kiểm toán môi trường vẫn chủ yếu là lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ. Trên thực tế, các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập còn rất ít, nên kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo Tiến sỹ Lê Doãn Hoài, Phó Vụ trưởng, Vụ Địa bàn I,  Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói chung và cho việc thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng.

Do đó, ông Hoài cho rằng để thực hiện tốt công việc này, Kiểm toán Nhà nước cần xây dựng kế hoạch kiểm toán chiến lược và kế hoạch kiểm toán hàng năm, trong đó chú trọng các nội dung công việc liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ngành cần đẩy mạnh kiểm toán môi trường trên cả 3 loại hình kiểm toán hoạt động, kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ cho việc thực hiện  các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ông Hoài cũng đề cập các vấn đề liên quan tới ứng phó biến đổi khí hậu mang tính chất phức tạp, đòi hỏi kiểm toán viên không chỉ cần có kỹ năng kiểm toán mà còn cần trang bị những kiến thức liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

“Do đó, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung xây dựng và tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên kiểm toán môi trường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc kiểm toán. Ngoài ra, ngành nên chú trọng đến việc nâng cao công tác kiểm soát chất lượng đối với các cuộc kiểm toán môi trường thông qua việc phối  hợp, trao đổi ý kiến giữa các đơn vị tham mưu,” ông Hoài kiến nghị.

Quy trình công khai minh bạch thông tin

Cụ thể hơn, ông Dương Quang Chính, Chánh Thanh tra, Thanh tra Kiểm toán Nhà nước cho biết nhìn chung các văn bản pháp luật  hiện hành của Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu công khai thông tin dữ liệu trong lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, việc công khai thông tin còn chậm trễ, không được cập nhật thường xuyên và chưa có quy định pháp luật và chế tài xử lý các hành vi chậm công khai và chậm cập nhật thông tin. Theo đó, ông Chính đề xuất cần ban hành quy chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp (liên quan đến nguồn thu – chi) công khai trên cổng thông tin điện tử của công ty và của các cơ quan Nhà nước.

Ông Chính nêu ra một số kinh nghiệm quốc tế, như là Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (ExtractiveIndustries  Transparency Initiative – EITI). Nguyên tắc của sáng kiến EITI là công khai, minh bạch các thông tin liên quan trong chuỗi giá trị khai thác từ giai đoạn cấp phép cho đến phân bổ nguồn thu hay những đóng góp cho kinh tế-xã hội của lĩnh vực khai khoáng.

Chuỗi giá trị trong Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác:

Xác định trọng tâm kiểm toán môi trường và khai thác khoáng sản ảnh 2(Nguồn: Bộ tiêu chuẩn EITI 2019)

“Hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, do đó cần phải tăng cường hiệu quả công tác nguồn thu và vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực này,” ông Chính nhấn mạnh.

Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị tại hội thảo, Phó tổng Kiểm toán Doãn Anh Thơ cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong những năm tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu trong quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, ông Thơ nhấn mạnh ngành sẽ có kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ xác định kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.